Trả lời chất vấn tại Quốc hội Malaysia về lập trường của nước này, Ngoại trưởng Saifuddin cho rằng văn kiện được Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết năm 2002 dường như không đủ quyền để buộc tuân thủ hay phạt bên vi phạm.
Các nước ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hồi năm ngoái. Ảnh: AFP/TTXVN.
|
Việc Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự, lắp đặt và thử nghiệm các thiết bị trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông gây quan ngại cho các nước ASEAN, trong khi việc Trung Quốc triển khai các đội tàu hải cảnh giống tàu chiến trên tuyến hàng hải chiến lược tạo nên sự căng thẳng trong khu vực.
Ngoại trưởng Malaysia nêu rõ: “Tất cả các bên cần tránh các hành động có thể tạo ra những căng thẳng và khiêu khích. Thay vào đó, cần tự kiềm chế và tránh các hành động quân sự”.
Trong một diễn biến khác, Nhật Bản dự kiến vào tháng 9 tới sẽ điều tàu chở trực thăng tới Biển Đông trong hải trình dài 2 tháng. Giới phân tích cho rằng động thái của Nhật Bản thể hiện việc Tokyo chia sẻ mối quan ngại với Mỹ về sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Nhật Bản cho biết: “Đây là một phần nỗ lực của Nhật Bản để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do”.