Báo The Nation của Thái Lan ngày 31/7 dẫn lời Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN, thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Suriya Chindawongse nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên hai bên nhất trí một văn bản đàm phán duy nhất”. Ông cho biết tiến trình này sẽ mất nhiều thời gian để đi đến kết luận.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhưng tài liệu không mang tính ràng buộc này đã không ngăn chặn được những căng thẳng tại Biển Đông. Hai bên đang xây dựng COC như một công cụ ràng buộc pháp lý để kiểm soát hành vi của các quốc gia trong vùng biển quan trọng này. Những năm gần đây, các bên đã đạt tiến triển đáng kể trong việc thiết lập các quy tắc đàm phán cơ bản cho COC. Để ngăn chặn các sự cố và kiểm soát tình hình, Trung Quốc và ASEAN đã mở đường dây nóng cho các quan chức cấp cao của cả hai bên để kịp thời xử lý các trường hợp khẩn cấp, cũng như lên kế hoạch tổ chức cuộc diễn tập chung quy mô lớn đầu tiên về tìm kiếm và cứu nạn trên biển.
Trả lời phỏng vấn báo The Nation, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên cho biết trong khi COC chưa được hiện thực hóa, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và nỗ lực đạt COC trong thời gian sớm nhất. Theo Đại sứ Trung Quốc, Bắc Kinh có kế hoạch tiến hành nhiều chương trình hợp tác hàng hải hơn với ASEAN. Các chương trình này gồm diễn tập trên biển chung giữa Trung Quốc-ASEAN, dự án nghiên cứu hợp tác công nghệ thông tin trên biển giữa Trung Quốc-ASEAN, tổ chức hội thảo đánh giá hệ sinh thái ven biển và chiến lược bảo tồn ở Biển Đông, mở hội thảo tập huấn về axit hóa đại dương, đào tạo về vệ tinh viễn thám môi trường sinh thái biển, và mở cuộc hội thảo về an toàn liên lạc và điều hướng trên Biển Đông.