Từ trái sang: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Lào, Thủ tướng Trung Quốc và Tổng thống Philippines chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo tuyên bố, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 đã tái khẳng định cam kết thực hiện Chương trình Phát triển bền vững 2030, được Hội nghị Phát triển bền vững Liên hợp quốc (LHQ) thông qua năm 2015 tại New York (Mỹ), và Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị Biến đổi khí hậu LHQ 2015. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng cam kết hợp tác thực thi 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong những thập kỷ tới theo khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, đồng thời kêu gọi tất cả các nước hành động nhanh chóng, cụ thể và toàn diện nhằm thúc đẩy việc thực hiện SDG trên tinh thần bình đẳng, hợp tác cũng như đẩy mạnh quan hệ đối tác khu vực và thế giới trong quá trình thực thi.
Để đạt được SDG, các nhà lãnh đạo quyết định thực hiện một tiến trình phát triển công bằng, công khai và thúc đẩy bởi các sáng kiến vì lợi ích của ASEAN + 3. Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo đã cam kết có những hành động cụ thể như giảm đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước, thúc đẩy phát triển bền vững các công ty rất nhỏ, nhỏ và vừa, tăng cường hợp tác du lịch bền vững và thúc đẩy hợp tác và giao lưu văn hóa.
ASEAN+3 được thành lập vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước khi các nước ASEAN quyết định tăng cường hợp tác với các nền kinh tế chủ chốt của châu Á trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm. Ban đầu, ASEAN+3 chú trọng vào hợp tác kinh tế, nhưng trong những năm gần đây đã phát triển trong các lĩnh vực như chính trị, an ninh và văn hóa. Hiện ASEAN+3 đã phát triển thành một cơ chế trong đẩy mạnh và củng cố hợp tác ở Đông Á, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị.