Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 được tổ chức trực tuyến ngày 12/5, các đại biểu cho rằng “hợp tác tài chính ASEAN+3 ngày càng cần thiết để hỗ trợ cho các nền kinh tế trong khu vực vượt qua các thách thức" hiện nay.
Tuyên bố chung sau hội nghị có đoạn: “Các nền kinh tế ASEAN+3 vẫn vững vàng vượt qua các thách thức từ dịch COVID-19. Kể từ đầu năm 2021, chúng tôi đã tập trung vào việc tăng tỷ lệ tiêm chủng để bảo vệ người dân và thực hiện các biện pháp phòng dịch có chủ đích hơn nhằm giảm thiểu tác động tới nền kinh tế và hỗ trợ cho sự phục hồi. Kết quả là khu vực đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao, lên tới khoảng 6% trong năm 2021.
Trong thời gian tới, với tỷ lệ tiêm chủng cao, khu vực có thể mở cửa hơn nữa và phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn trong năm nay. Tuy nhiên, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ mạnh hơn so với dự báo ở một số nền kinh tế tiên tiến chủ chốt, sự gián đoạn đang tiếp diễn của các chuỗi cung ứng và sự tăng giá thực phẩm và năng lượng do tác động của xung đột Nga-Ukraine có thể sẽ dẫn tới nguy cơ suy giảm đối với triển vọng thương mại và đầu tư, tăng trưởng và lạm phát trong khu vực”.
Vì vậy, các lãnh đạo tài chính ASEAN+3 khẳng định “việc duy trì các chính sách hỗ trợ là cực kỳ quan trọng để giảm bớt tác động của đại dịch và củng cố đà phục hồi kinh tế một cách bền vững”. Bên cạnh đó, các lãnh đạo tài chính ASEAN+3 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh phân bổ sai các nguồn tài nguyên, đảm bảo sự hỗ trợ cho các lĩnh vực mới và tăng trưởng, đồng thời cũng cam kết đưa ra các biện pháp chính sách để ứng phó với đại dịch và duy trì sự ổn định tiền tệ và tài chính.
Để tăng cường hợp tác tài chính trong khu vực, các lãnh đạo tài chính ASEAN+3 đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Sáng kiến Đa phương hóa Chiangmai (CMIM), Sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI), Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), và Các sáng kiến Tương lai ASEAN+3 (AFI).
Phát biểu với các phóng viên sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của CMIM. Ông khẳng định sự bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu càng cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác tài chính trong khu vực thông qua CMIM. Theo sáng kiến này, các nước thành viên đối mặt với sự thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn có thể tiếp cận quỹ bằng đồng USD.
Theo hãng tin Kyodo, cùng ngày, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã có cuộc họp trực tuyến riêng. Tại đó, các quan chức đã khẳng định cần “cảnh giác trước các rủi ro”, đồng thời cam kết “tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách hỗ trợ để duy trì đà phục hồi kinh tế, trong lúc vẫn đảm bảo ổn định tiền tệ và tài chính cũng như sự bền vững tài chính trong dài hạn”.