Tháng 10/2020, AstraZeneca và Mỹ đã đạt thỏa thuận ban đầu về việc cung cấp 200.000 liều. Như vậy, với thỏa thuận bổ sung này, AstraZeneca có thể cung cấp cho Mỹ 700.000 liều, với tổng trị giá lên tới 726 triệu USD.
Theo AstraZeneca, AZD7442 là loại thuốc kết hợp hai kháng thể đơn (mAbs) và vẫn chưa được cấp phép lưu hành. Do đó, thỏa thuận mới này sẽ phụ thuộc vào việc phê duyệt của Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm của Mỹ.
Liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Agnes Pannier-Runacher khẳng định nước này đã phối hợp với các nước châu Âu khác khi đưa ra quyết định ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca. Tuy nhiên. ông Alain Fischer, người phụ trách chiến dịch tiêm chủng tại Pháp, hy vọng quyết định này chỉ mang tính tạm thời.
Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, ông Fischer khẳng định hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Theo ông, số người có phản ứng bất thường sau khi được tiêm vaccine của AstraZeneca ở mức thấp. Do đó, cần tiếp tục thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng này.
Cùng chung nhận định trên, nhà dịch tễ học Dirk Brockmann của Viện Robert Koch (Đức) cũng cho rằng nguy cơ khi sử dụng vaccine của AstraZeneca là rất thấp khi so sánh tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 (1.000 ca/1 triệu người) với tỷ lệ gặp phản ứng bất thường do tiêm vaccine (1 ca/1 triệu người). Theo ông, ở các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh nặng, nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn nhiều so với nguy cơ tử vong do vaccine, thậm chí là có thể cao hơn 100.000 lần.
Trong thời gian qua, nhiều nước trên thế giới đã quyết định ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca do lo ngại nguy cơ sinh cục máu đông. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan nêu rõ: "Chúng tôi không muốn mọi người hoảng sợ và khuyến nghị các quốc gia tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca. Cho đến nay, chúng tôi không tìm thấy mối liên quan giữa những sự kiện này (tình trạng đông máu) và vaccine".