Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trước đó, bà Power, người đã đến thăm Ethiopia trong tháng này, đã đăng lại một bài của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan kêu gọi "tất cả các bên khẩn trương đến bàn đàm phán” trên tài khoản Twitter của mình. Sau đó, bà viết rằng tình hình nhân đạo "thảm khốc" ở Ethiopia "sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trừ khi tất cả các bên đồng ý đối thoại và chấm dứt thù địch".
Tài khoản Twitter của AU, tổ chức liên chính phủ có trụ sở chính tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, đã có phản hồi nhanh chóng - và mang đầy tính châm chích: “Lạy Chúa, ý bà là giống như lần bà ngồi nói chuyện với IS (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) và Taliban?". Dòng trạng thái cũng sử dụng thẻ dính (hashtag #) để ám chỉ phiến quân từ vùng Tigray đang xảy ra xung đột của Ethiopia là những kẻ khủng bố. Bài đăng sau đó đã bị xóa và AU cho biết họ đang xem xét vấn đề.
Trong một tuyên bố, AU cho biết bài đăng này là quan điểm cá nhân từ một nhân viên và điều này trái với quy tắc của nhân viên AU. Liên minh này tuyên bố: “Bài đăng đã bị xóa không phản ánh quan điểm của AU và được coi là một hành vi vi phạm nghiêm trọng. Sự việc đang được điều tra nội bộ".
Một quan chức AU xác nhận tác giả của bài đăng vi phạm là người Ethiopia.
Xung đột đã diễn ra liên miên tại miền Bắc Ethiopia kể từ tháng 11/2020, khi Thủ tướng Abiy Ahmed điều quân đội vào vùng cực Bắc Tigray để lật đổ lực lượng phiến quân tự xưng, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF). Lý do cho hành động điều quân này là nhằm đáp trả các cuộc tấn công vào các doanh trại quân đội liên bang do TPLF tiến hành.
Ông Abiy tuyên bố chiến thắng vài tuần sau đó khi quân chính phủ đánh chiếm được thủ phủ Mekele của khu vực, nhưng quân nổi dậy đã tiến hành cuộc đáp trả kinh hoàng, chiếm lại thành phố và phần lớn Tigray vào cuối tháng 6/2021. Kể từ đó, TPLF đã tiến về phía Đông và phía Nam vào các vùng Afar và Amhara lân cận, chiếm giữ một loạt thị trấn bao gồm Lalibela, Di sản Thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận ở Amhara, nơi có các nhà thờ bằng đá từ thời Trung cổ.
Ngay từ đầu, Thủ tướng Abiy đã từ chối lời kêu từ các đặc phái viên cấp cao của AU về việc đàm phán với các nhà lãnh đạo lực lượng TPLF và kiên định với quan điểm rằng cuộc xung đột là một chiến dịch "luật pháp và trật tự" có giới hạn.
Trong khi đó, một ủy ban điều tra về tình hình ở Tigray của Ủy ban Nhân quyền và Nhân dân châu Phi đã bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2021.