AU đã chỉ trích gay gắt cuộc đảo chính tại Sudan, và quyết định đình chỉ việc tham gia của Sudan trong mọi hoạt động của AU cho đến khi quân đội chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.
Trước đó, AU từng đỉnh chỉ tư cách thành viên của Sudan vào tháng 6/2019 sau khi xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực đẫm máu ở Khartoum. Tư cách thành viên AU của Sudan được phục hồi 3 tháng sau đó, sau khi Thủ tướng Sudan khi đó là ông Abdalla Hamdok chính thức công bố nội các đầu tiên kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tuyên bố đình chỉ hoạt động viện trợ của tổ chức này cho Sudan. Trong một tuyên bố, Chủ tịch WB David Malpass bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay ở Sudan, đồng thời lo ngại rằng diễn biến này có thể tác động nghiêm trọng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở quốc gia Bắc Phi.
Ngày 25/10, quân đội Sudan đã bắt giữ hầu hết các thành viên nội các. Binh sĩ đã dùng đạn thật để trấn áp các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ủng hộ chính phủ chuyển tiếp, khi họ tới gần Bộ Quốc phòng ở thủ đô Khartoum, khiến nhiều người bị thương. Người đứng đầu Hội đồng tối cao Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán Hội đồng tối cao và chính phủ chuyển tiếp của nước này.
Sudan đã trải qua quá trình chuyển đổi bấp bênh do những chia rẽ chính trị và tranh giành quyền lực kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019. Kể từ tháng 8/2019, Sudan do Hội đồng tối cao gồm các đại diện quân sự - dân sự cùng điều hành đất nước. Ngày 21/9 vừa qua, truyền thông Sudan đưa tin các lực lượng an ninh đã đập tan một âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, các thông tin không đề cập đến lực lượng đứng sau âm mưu đảo chính khi đó.