Tổng thống Guinea Alpha Conde, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên AU, kêu gọi thảo luận vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức vào tháng 7 tới "nhằm nâng cao cảnh báo với ông Donald Trump về các vấn đề nảy sinh do sự ấm lên toàn cầu".
Tổng thống Guinea Alpha Conde. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong một tuyên bố đại diện cho AU, Tổng thống Conde khẳng định: "Châu Phi dù không có lỗi nhiều như các nước khác trong việc gây ra các tác nhân làm biến đổi khí hậu, nhưng là một trong những khu vực phải chịu hậu quả trực tiếp nhất". Vì vậy, AU "kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi đầy đủ và đẩy nhanh tiến độ của Hiệp định Paris". Tổng thống Conde, cũng là điều phối viên Sáng kiến Năng lượng tái tạo châu Phi (AREI), tuyên bố: "AU tái khẳng định ủng hộ hoàn toàn và vô điều kiện Hiệp định Paris".
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran cũng lên án quyết định của Tổng thống Mỹ, cho rằng Washington sẽ bị cô lập hơn sau quyết định rút khỏi Hiệp định Paris.
Phóng viên TTXVN tại vùng Vịnh dẫn lời người phát ngôn của Bộ trên, ông Bahram Qassemi, lên án việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris là "không thể chấp nhận được" vì Mỹ là quốc gia thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai thế giới, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc chính quyền mới ở Washington thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của mình. Ông nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã gây ra những thách thức toàn cầu to lớn, vì vậy để giảm thiểu hậu quả "đòi hỏi một sự hợp tác đầy đủ và chân thành của tất cả các nước", đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển.
Theo ông Qassemi, các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực Tây Á, đang phải chịu những tác động mạnh của biến đổi khí hậu, như nhiệt độ tăng cao, hạn hán, bão cát, xuất hiện bệnh lạ v.v., gây thiệt hại to lớn về kinh tế - xã hội. Ông kêu gọi các nước hợp tác tránh làm suy yếu các hiệp định quốc tế như Hiệp định Paris, coi đây là biểu tượng của sự hợp tác chung giữa các quốc gia trên thế giới và tăng cường chủ nghĩa đa phương.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được 195 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11/2016, với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải CO2 nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.
Theo Hiệp định Paris, được Mỹ ký kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26-28% lượng khí thải gây ô nhiễm so với năm 2005. Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến thỏa thuận này kém hiệu quả hơn cũng như cản trở nỗ lực của toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.