Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp tại thủ đô Washington ngày 6/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một tuyên bố chung khá cứng rắn, phái đoàn AU tại LHQ cho biết, tổ chức này rất giận giữ, thất vọng và phẫn nộ vì những bình luận không thích hợp của Tổng thống Mỹ. AU cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ “rút lại bình luận cũng như đưa ra lời xin lỗi, không chỉ với những người châu Phi, mà còn với tất cả những người thuộc dòng máu châu Phi trên toàn cầu”.
Tuyên bố chung nói trên đã được đưa ra ngày 12/1 sau khi một cuộc họp khẩn cấp của phái đoàn AU được tổ chức để giải quyết vấn đề trên. Phái đoàn AU tại LHQ cho biết, họ đã “vô cùng kinh ngạc và mạnh mẽ lên án những phát biểu thái quá, mang đậm tính phân biệt chủng tộc và bài ngoại của Tổng thống Mỹ”. Đồng thời, AU cũng thể hiện sự quan tâm đến xu hướng thời gian tới của chính quyền Mỹ đối với châu Phi và người gốc Phi. Viện dẫn những bình luận có ý xúc phạm của Tổng thống Mỹ đối với Haiti, các đại sứ đã bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Haiti và “những người khác đã bị bôi nhọ tương tự”.
Tuy vậy, tuyên bố chung cũng gửi lời cảm ơn đến người dân Mỹ thuộc mọi tầng lớp xã hội - những người đã lên án bình luận của Tổng thống Mỹ và khẳng định lại cam kết với các giá trị và nguyên tắc của đa phương, đa dạng và sự bình đẳng của các quốc gia.
Người dân châu Phi đã rất tức giận về những bình luận được Tổng thống Donald Trump đưa ra trong cuộc họp của Nhà Trắng về tình trạng nhập cư. Theo các chuyên gia và các nhà ngoại giao, bình luận của Tổng thống Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty của Mỹ đang hoạt động tại một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, làm phức tạp thêm những nỗ lực chống khủng bố và hợp tác an ninh của Bộ Quốc phòng Mỹ tại châu lục này.
Mỹ hiện có 6000 binh sĩ đang được triển khai tại 53 nước châu Phi, nơi họ đang tập trung ngăn chặn các nhóm cực đoan và những hoạt động bất hợp pháp, cũng như gìn giữ hoà bình, viện trợ nhân đạo và ứng phó với thảm hoạ. Một phần trong số những binh sĩ này đồn trú tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti. Quân đội Mỹ cũng tham gia vào công tác đào tạo và tư vấn ở các nước châu Phi khác.