Nhà khí tượng học Harry Clark của Australia cho hay Cục Khí tượng đang theo dõi vùng áp thấp nhiệt đới đang phát triển ở khu vực Gulf Country (bang Queensland), nơi có từ 20 - 50% khả năng phát triển thành lốc xoáy, và vùng áp thấp nhiệt đới này có thể ảnh hưởng đến các khu vực xa hơn về phía Tây.
Đảo Norfolk, cách thành phố Brisbane (thuộc bang Queensland) 1.500 km về phía Đông Nam, đã bị bão Gabrielle tàn phá hồi cuối tuần qua, nhưng đã tránh được những cơn gió lớn tồi tệ nhất khi bão di chuyển về phía New Zealand. Sức gió lên tới 85 km/h đã quật đổ cây cối, làm đứt đường dây điện và khiến đá lở rơi xuống cầu câu cá Cascade Pier ở đảo Norfolk đêm 11/2. Tuy nhiên, không xảy ra gió giật nghiêm trọng như dự đoán trước đó của các nhà khí tượng học.
Theo ông Clark, phía Đông Nam của bang Queensland sẽ phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt trong tuần với nguy cơ xảy ra giông bão và lũ quét ở phía Nam Brisbane trong ngày 13/2. Tiếp đó, ngày 14/2, dông bão nghiêm trọng và lũ quét có khả năng xảy ra ở khu vực trên. Nếu có những trận mưa lớn thì không loại trừ sẽ kèm theo gió giật gây thiệt hại nghiêm trọng và mưa đá.
Trong khi đó, tại khu vực Montrose, cách thành phố Brisbane 285 km về phía Tây Bắc, người dân được thông báo sơ tán khẩn cấp khi 50 đám cháy rừng bùng phát khắp bang sau một ngày nắng nóng nghiêm trọng. Các đám cháy lan nhanh khiến nhiều ngôi nhà bị đe dọa và cư dân ở các vùng phía Tây Nam của bang Queensland được yêu cầu sơ tán khẩn cấp. 50 đám cháy rừng đã bùng lên khắp bang này tối 13/2.
Cơ quan Cứu hỏa bang Queensland (QFS) cho biết đã triển khai hơn 120 xe cứu hỏa đến các địa điểm trong 24 giờ qua. Các đám cháy cũng đang bùng lên ở khu vực Ballogie, tại Springside gần thị trấn Pittsworth và Kobble Creek gần thị trấn Samsonvale. Trong khi đó, nguy cơ hỏa hoạn vẫn ở mức cao trong ngày 13/2 ở các vùng Central West, Darling Downs và Granite Belt.
Trong ngày này, nhiệt độ tại thành phố Brisbane đã lên mức cao nhất trong 2 năm qua là 35,7 độ C, trong khi nhiệt độ ở vùng ngoại ô Amberley là 39 độ C và ở thị trấn Gatton là 40,8 độ C. Cảnh báo về đợt nắng nóng nghiêm trọng vẫn được áp dụng đối với Central Coast và Whitsundays, Capricornia, Central Highlands, Coalfields cũng như các quận Wide Bay và Burnett. Hiện đang có những quan ngại về khả năng phục hồi của các cộng đồng và môi trường ở Queensland sau những đợt thời tiết khắc nghiệt nói trên.
New Zealand ban bố tình trạng khẩn cấp do bão
Tại New Zealand, ngày 13/1, chính quyền nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi bão Gabrielle bắt đầu quét qua Đảo Bắc thuộc nước này.
Cơ quan Phòng vệ dân sự của New Zealand đã cảnh báo người dân ở một số khu vực như Northland và Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand, về nguy cơ cao xảy ra triều cường, trong khi hàng nghìn người rơi vào cảnh bị mất điện ở Đảo Bắc. Theo dự báo, trong 20 giờ tới, tại nước này sẽ có mưa với lượng mưa 400 mm và gió giật với tốc độ 130 km/h.
Với việc chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, ngày 12/2, hãng hàng không quốc gia New Zealand Air NZ đã hủy toàn bộ chuyến bay nội địa đến và đi từ Auckland cùng với nhiều chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, hầu hết các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em đã đóng cửa, 26 nơi trú ẩn khẩn cấp và trung tâm phòng vệ dân sự đã được thiết lập trên khắp Auckland.
Auckland và nhiều nơi khác ở Đảo Bắc đã được nâng lên mức báo động đỏ trong ngày 12/2 trong bối cảnh Cục Khí tượng New Zealand (MetService) cảnh báo rằng diễn biến thời tiết tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Để ứng phó với thời tiết xấu do bão Gabrielle, chính quyền đã yêu cầu người dân chuẩn bị bao cát để gia cố nhà cửa, dự trữ lương thực, nước uống và sẵn sàng cho các hoạt động sơ tán cần thiết trong những ngày tới. Ngay trong đêm, nhiều trạm cung cấp bao cát được thiết lập trên khắp Auckland và người dân địa phương được khuyến khích tự chuẩn bị bao cát cho những tình huống khắc nghiệt. Thủ tướng nước này Chris Hipkins đã kêu gọi người dân ở trong nhà và hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết.
Lũ lụt nghiêm trọng ở miền Nam Mozambique
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia của Mozambique (INGD) ngày 12/2 cho biết 2 ngày mưa xối xả đã gây ra lũ lụt lớn ở tỉnh Maputo của nước này và một số vùng lân cận của thủ đô Maputo.
Theo INGD, mưa lớn đã khiến 7.300 ngôi nhà bị ngập lụt, khoảng 15.000 người phải di tản và 6 người thiệt mạng, 10 trung tâm lưu trú đã được mở tại các khu vực lũ lụt, trong khi mức nước tại các con sông ở miền Nam Mozambique vẫn ở mức cao và các con đập vẫn mở.
Mưa lớn ở các khu vực giáp ranh Nam Phi và Swaziland khiến cho nước đổ về các con sông chảy qua Mozambique. Tại tỉnh Maputo, trong 24 giờ từ ngày 9 - 10/2, lượng mưa đo được tại thị trấn Goba là 108 mm, tại khu vực sông Calichane là 263 mm, trong khi tại khu vực đập Pequenos Limbombos là 140 mm. Riêng huyện Boane của tỉnh này nằm trên sông Umbeluzi và ở ngay hạ lưu một con đập vốn đã đầy và xả nước, đã bắt đầu ngập lụt.
Sạt lở đất do mưa lớn tại Peru
Trong khi đó tại Peru, mưa lớn cuối tuần qua tại huyện Mariano Valcarel, vùng Arequipa, phía Tây Nam nước này đã gây ra sạt lở đất tại khu vực núi San Martin làm 18 người chết và 20 người khác mất tích, đồng thời chôn vùi nhiều xã ở khu vực này.
Theo giới chức địa phương, vụ sạt lở đất này đã làm hư hại 40% mạng lưới điện tại Valcarel và phá hủy hoàn toàn hơn 500 nhà dân, trong khi hàng nghìn ngôi nhà khác bị hư hại.