Theo luật trên, bất kỳ công dân Australia nào bị nghi ngờ là đối tượng cực đoan tham các cuộc xung đột ở nước ngoài sẽ tạm thời bị cấm quay về nước cho đến khi được cấp "giấy phép về nước". Giấy phép này sẽ quy định các điều kiện về thời gian và cách thức đối tượng được hồi hương cũng như yêu cầu đối tượng phải đăng ký nơi cư trú, làm việc hoặc học tập và kế hoạch đi lại trong nước và ra nước ngoài.
Bộ trưởng Nội vụ Australia được trao thẩm quyền ban hành các lệnh cấm tạm thời đối với các đối tượng trên và các lệnh này sẽ được xem xét bởi một thẩm phán đã nghỉ hưu hoặc thành viên cấp cao của Tòa phúc thẩm hành chính.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Australia đang đối mặt với vụ kiện nhằm buộc phải cho hồi hương vợ và con cái của những công dân Australia tham gia tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, hiện đang ở trại Al Hawl của Syria.
Ngày 25/7, các luật sư đại diện cho các gia đình có gần 30 phụ nữ và trẻ em là công dân Australia hiện đang ở trại Al Hawl cho biết họ chuẩn bị đưa vụ kiện lên Tòa án liên bang trong những ngày tới.
Luật sư Sarah Condon thuộc Công ty luật Stary Norton Halphen ở thành phố Melbourne cho biết Chính phủ Australia có trách nhiệm pháp lý bảo vệ công dân nước mình ở nước ngoài và kêu gọi chính phủ đưa ra khung thời gian cho các đối tượng này trở về nước trong bối cảnh điều kiện sinh hoạt tại trại Al-Hawl hết sức tồi tệ, gây tổn thương tâm lý cho phụ nữ và trẻ em.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton khẳng định Chính phủ Australia nhận thức rõ "mối đe dọa" mà một số phụ nữ và trẻ em có thể gây ra nếu họ trở về nước.
Phát biểu với báo giới tại Canberra, ông Dutton nói: "Một số phụ nữ đã bị chồng buộc sang Trung Đông trong hoàn cảnh cơ cực và có những phụ nữ sẵn sàng tới Trung Đông và họ là mối đe doa đối với Australia".
Theo ông Dutton, Chính phủ biết có 80 công dân Australia vẫn ở các khu vực xung đột ở Iraq và Syria. Trong khi đó, công ty của luật sư Condon cho biết đã xác định có ít nhất 40 trẻ em Australia ở trại al-Hawl.
Số phận của các công dân Australia tham chiến cho IS ở nước ngoài và gia đình họ đã trở thành vấn đề quan trọng đối với Chính phủ Australia trong bối cảnh cuộc chiến chống IS sắp đến hồi kết. Nhiều vụ kiện tương tự cũng đã được xúc tiến nhằm vào chính phủ Pháp, Đức. Trong những tháng gần đây, một vài nước ở châu Âu đã cho hồi hương con cái của công dân nước họ "đầu quân" cho IS tại Syria.