Ngành giáo dục thừa nhận sự tăng trưởng chưa từng có về số lượng sinh viên quốc tế là không bền vững, nhưng cho biết tình trạng thiếu tài trợ kinh niên đã buộc các trường học phải phụ thuộc vào thị trường sinh lợi này.
Ngày 13/5, Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare và Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil đã nói với các bên liên quan rằng chính phủ sẽ hợp tác chặt chẽ với họ để đạt được một kết quả hợp lý. Giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Australia Phil Honeywood thừa nhận các trường đại học công lập và tư thục, cũng như các trung tâm Anh ngữ, đều gặp phải vấn đề về nhân sự, vướng mắc với các hợp đồng thuê tòa nhà thương mại và các kế hoạch kinh doanh. Do đó, họ cần ít nhất 6-7 tháng để lên kế hoạch dựa trên bất kỳ khung chính sách mới nào của chính phủ.
Giới hạn mới sẽ không áp dụng đối với các nghiên cứu sinh vì chính phủ cho rằng chất lượng nghiên cứu không thể bị ảnh hưởng bởi thay đổi này. Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sydney, ông Mark Scott, cho biết sinh viên quốc tế có giá trị vô giá đối với nền kinh tế và các mô hình tài trợ của các trường đại học của Australia. Theo ông, trên thực tế, nếu số lượng sinh viên quốc tế giảm, sẽ có một “lỗ hổng” trong nguồn tài trợ nghiên cứu và phát triển vốn rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Đại Dương này.
Bộ trưởng Clare cho biết các công ty du học “mờ ám” đang tìm cách lợi dụng việc sinh viên quốc tế quay trở lại Australia sau đại dịch COVID-19. Do giáo dục quốc tế là tài sản quý giá của Australia nên những cải tổ được đề xuất nói trên sẽ giúp tái thiết lập nền giáo dục quốc tế cho tương lai.
Một số trường học được cho là đã hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh và khuyến khích các công ty du học thu hút sinh viên quốc tế. Chính phủ Liên bang Australia cho biết lệnh cấm trả tiền hoa hồng cho các hồ sơ chuyển trường sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
Các hạn chế đối với trường học và công ty du học cũng sẽ được thắt chặt, nhưng hiện vẫn chưa rõ giới hạn tuyển sinh quốc tế của các trường là bao nhiêu. Hội đồng Giáo dục Đại học Độc lập Australia cho rằng chính phủ nên cải thiện hệ thống di trú, thay vì nhắm mục tiêu vào các trường học, và cảnh báo giới hạn này sẽ khiến nhiều người mất việc. Dự luật cũng sẽ cho phép các trường đại học vượt quá giới hạn nếu họ xây dựng thêm nhà trọ cho sinh viên, nhằm giảm bớt áp lực lên thị trường thuê nhà.
Số lượng sinh viên quốc tế ở Australia đã đạt mức cao kỷ lục là 671.000 người vào tháng 3 vừa qua, tăng 15% so với năm ngoái.
Sinh viên quốc tế mang lại 48 tỷ AUD (khoảng 32 tỷ USD) và 200.000 việc làm cho nền kinh tế Australia. Đây là ngành xuất khẩu lớn thứ tư của quốc gia này. Tuy nhiên, một số người cho rằng số lượng sinh viên quốc tế quá cao đã khiến giá nhà tăng vọt và gây thêm áp lực cho hạ tầng cơ sở, làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng nhà ở và gây ra sự hỗn loạn chưa từng có trong lĩnh vực giáo dục quốc tế. Họ cũng cho rằng chính phủ đang nhắm mục tiêu vào lĩnh vực di trú nhằm đánh lạc hướng khỏi các nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng nhà ở, bao gồm việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư bất động sản.