Theo văn kiện được ký giữa Thủ tướng Tuvalu Kausea Natano và người đồng cấp Australia Anthony Albanese, có 11.000 công dân Tuvalu thuộc diện được cấp quy chế tị nạn này. Công dân Tuvalu trong diện này sẽ được sinh sống, học tập và làm việc tại Australia cũng như được tiếp cận hệ thống giáo dục, y tế, nguồn trợ cấp và hỗ trợ gia đình.
Để tránh tình trạng "chảy máu chất xám", số công dân Tuvalu được đến Australia ban đầu sẽ giới hạn ở mức 280 người mỗi năm. Thỏa thuận cần được hai nước phê chuẩn để có hiệu lực cần.
Thủ tướng Albanese cho biết Australia có thể sẵn sàng đưa ra các thỏa thuận tương tự với các nước láng giềng Thái Bình Dương và các điều khoản có thể điều chỉnh phù hợp với từng quốc gia.
Tuvalu là một trong những quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do tình trạng nước biển dâng - hệ lụy của biến đổi khí hậu. Hiện 2 trong số 9 hòn đảo san hô của Tuvalu đã chìm dưới mặt nước biển và các nhà khoa học khí hậu lo ngại trong vòng 80 năm tới toàn bộ quần đảo này sẽ trở thành nơi không ở được.
Trong khuôn khổ thỏa thuận, Australia cam kết chi 16 triệu AUD (10 triệu USD) hỗ trợ Tuvalu gia cố các bờ biển đang bị thu hẹp và khôi phục đất đã mất.
Trước đây New Zealand đã đưa ra ý tưởng cấp cho công dân các quốc đảo Thái Bình Dương một loại "thị thực khí hậu", nhưng ý tưởng này đã bị gạt bỏ trong bối cảnh các quốc đảo phản đối vì lo ngại tình trạng di cư kinh tế ồ ạt.