Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland ngày 25/8 đã có buổi chia sẻ dữ liệu nghiên cứu sớm với 3.000 đồng nghiệp trên khắp thế giới, thông qua diễn đàn trực tuyến về chủ đề vaccine phòng bệnh COVID-19 do Hiệp hội Tiêm chủng Quốc tế tổ chức.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học Đại học Queensland đã trình bày bằng công nghệ 3D mô hình vaccine đang được nghiên cứu và kết quả từ các quá trình thử nghiệm trên động vật cho thấy vaccine này đã tạo ra phản ứng đối với hệ miễn dịch của cơ thể vật chủ. Cụ thể, vaccine do Đại học Queensland nghiên cứu đã tạo ra các kháng thể trung hoà và gắn kết một phản ứng mạnh của tế bào T (tế bào bạch cầu).
Đồng trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Keith Chappell cho biết vaccine đã có kết quả tích cực sau khi tiến hành thử nghiệm trên chuột lang. Kháng thể chống lại chứng viêm phổi trong cơ thể chuột nhiễm bệnh COVID-19 đã tự nhân lên để bảo vệ cơ thể. Mặc dù, việc một số virus SARS-CoV-2 vẫn xâm nhập và nhân lên tại đường hô hấp trên của các con chuột thử nghiệm, cho thấy vaccine này chưa tạo ra được khả năng miễn dịch hoàn toàn, nhưng về tổng thể đã cung cấp được mức độ bảo vệ khá tốt cho vật chủ.
Theo Giáo sư Chappell, để tạo ra một loại vaccine có khả năng bảo vệ 100% cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 chỉ trong một mũi tiêm là điều vô cùng khó khăn. Do đó, Đại học Queensland đã không bắt đầu thử nghiệm trên người sớm như một số nghiên cứu khác vì muốn đợi tất cả dữ liệu an toàn trên động vật được cung cấp trước khi thực hiện bước thử nghiệm quan trọng này.
Giáo sư Keith Chappell cho biết bằng cách công bố dữ liệu một cách cởi mở, các nhà khoa học Australia hy vọng sẽ truyền cảm hứng tích cực cho tất cả các nhóm nghiên cứu khác trong cuộc đua tìm kiếm giải pháp cho đại dịch COVID-19.”. Ông khẳng định các nhà khoa học Australia đã cố gắng chạy đua với virus SARS-CoV-2 để tìm kiếm cách thức nhanh nhất chống lại đại dịch thế kỷ COVID-19, chứ không phải tham gia vào cuộc cạnh tranh chống lại các dự án nghiên cứu khác. Giáo sư xác nhận những dữ liệu mà UQ chia sẻ quan trọng hơn so với tiêu chuẩn tham chiếu quốc tế.
Giáo sư Chappell cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng các nhà sản xuất vaccine nên đưa tiêu chuẩn này vào tiến trình nghiên cứu để cho phép đánh giá chất lượng vaccine. Tuy nhiên, cho đến nay thế giới ghi nhận chưa có bất kỳ một tổ chức, trung tâm nghiên cứu nào thực hiện việc chia sẻ dữ liệu như là một hình thức đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của WHO.
Đại học Queensland đã được Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) giao nhiệm vụ phát triển một loại vaccine phản ứng nhanh chống lại virus SARS-CoV-2 vào hồi tháng 1, với khoản đầu tư ban đầu lên đến 4,5 triệu USD. Đến nay, CEPI đã cung cấp tổng cộng 15,16 triệu USD cho Đại học Queensland. Bên cạnh đó, chính quyền bang Queensland cũng hỗ trợ 10 triệu AUD (7,1 triệu USD) cho công trình nghiên cứu của Đại học Queensland, trong khi Chính phủ Australia tài trợ 5 triệu AUD (3,55 triệu USD) và 10 triệu AUD (7,1 triệu USD) đến từ các nhà tài trợ khác.