Thủ phạm chính là Omicron, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19, có khả năng lây truyền cao đã xâm nhập vào bờ biển nước này trong tháng cuối năm 2021 và nhanh chóng lan rộng khắp đất nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm nhanh chóng và ổn định trong hai tuần qua tại quốc gia lớn nhất châu Đại dương, khi số ca mắc đã giảm xuống dưới 40.000 vào ngày 28/1, trong khi tỷ lệ nhập viện cũng đã ổn định. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế Australia đưa ra đánh giá rằng làn sóng dịch ở đây đã đạt đỉnh và dự báo người dân nước này bắt đầu hành trình "sống chung với virus SARS-CoV-2".
Theo Giáo sư Catherine Bennett, Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ, Đại học Deakin, các dấu hiệu hiện nay cho thấy Australia đang “ở phía bên kia” của làn sóng đại dịch do biến thể Omicron gây ra, nhưng quá trình suy giảm số ca mắc sẽ không suôn sẻ hoặc nhanh chóng do virus đã lây lan ra rộng trong cộng đồng.
Bên cạnh thực tế là còn nhiều người không báo cáo kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) dương tính, không có triệu chứng hay không đi xét nghiệm, có một yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng đến đường cong “dịch COVID-19” là vào tuần tới năm học mới ở Australia sẽ bắt đầu, xét nghiệm sàng lọc sẽ được triển khai trên quy mô rộng hơn.
Hai bang New South Wales và Victoria khuyến nghị tất cả nhân viên và học sinh tiểu học, trung học phải lấy xét nghiệm RATs hai lần/tuần, trong khi bang Nam Australia tăng cường xét nghiệm những người tiếp xúc gần.
Giáo sư Bennett hy vọng sự gia tăng các ca bệnh được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc sẽ không vượt quá đỉnh của đợt bùng phát vừa qua.
Theo Giáo sư Bennett, vào cuối tháng 3, người dân Australia sẽ kết thúc đợt nghỉ lễ và quay trở lại guồng quay của cuộc sống hằng ngày, với sự điều chỉnh dần dần theo hướng "bình thường mới". Bà dự báo khi các trường hợp ca nhiễm COVID-19 giảm xuống, một tiến trình tự nhiên sẽ diễn ra, với kết quả là nhiều người có thể đi ra khỏi nhà sau khi hết cách ly, doanh nghiệp sẽ không còn bị thiếu hụt lao động và các nhà hàng sẽ đông khách hơn.
Trong khi không đưa ra số ca nhiễm như thế nào để được coi là “trạng thái bình thường mới", Giáo sư Bennett cho răng tiêu chuẩn mới sẽ là: Các doanh nghiệp hoạt động bình thường, hệ thống chăm sóc y tế không bị quá tải và mọi người có thể đi lại tự do.
Adrian Esterman, Giáo sư thống kê sinh học tại Đại học Nam Australia, cho rằng điều cần thiết trong trong vài tháng tới là phải tiếp tục “giảm tải” cho hệ thống bệnh viện bằng tiêm chủng tăng cường, tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và một số hạn chế khác.
Giáo sư Esterman lưu ý, chừng nào còn có những người trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng, thì sẽ có cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện với khả năng gây ra các làn sóng dịch bệnh mới.
Trước mối đe dọa của sự xuất hiện của một biến thể mới, các chuyên gia cho rằng hy vọng lớn nhất để thoát khỏi đại dịch COVID-19 là một "vaccine vạn năng", loại vaccine được phát triển để bảo vệ chống lại tất cả các biến thể có thể có của virus SARS-CoV-2.
Giáo sư Esterman dự báo, từ nay đến cuối năm, các nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ vẫn cần được “che chở” và bảo vệ, trong khi nhóm người trẻ hơn, có sức đề kháng tốt hơn sẽ tiếp tục hoạt động bình thường.
Giáo sư Esterman cũng hy vọng nỗ lực triển khai vaccine ở các nước đang phát triển sẽ tăng tốc trong các tháng tới. Một khi mức độ bao phủ vaccine toàn cầu lớn hơn, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới cũng sẽ giảm đi.
Theo Giáo sư Bennett, tại Australia, sự kết hợp của hai yếu tố là số người từng mắc COVID-19 và mũi vaccine tăng cường sẽ giúp giảm khả năng bị tổn thương trươc các biến thể mới. Đây sẽ là một bước quan trọng trong việc chuyển đổi sang một tương lai trong đó COVID-19 được điều trị như bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào khác.
Trên phạm vi thế giới, quá trình chuyển đổi sang “trạng thái bình thường mới" sẽ không diễn ra đồng loạt và suôn sẻ. Một số quốc gia sẽ tuyên bố điều đó sớm hơn các quốc gia khác, các đợt bùng phát bất ngờ vẫn có thể xuất hiện và các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ tiếp tục vật lộn với các ca bệnh nghiêm trọng.