Theo các quy định mới, những người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ không còn bắt buộc phải làm thêm xét nghiệm PCR, yêu cầu xét nghiệm thường xuyên đối với lái xe tải cũng được dỡ bỏ, và hành khách nhập cảnh từ nước ngoài sẽ không cần phải lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần.
Quyết định của Nội các quốc gia Australia được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia y tế cảnh báo tình trạng hàng đoàn người xếp hàng để được xét nghiệm COVID-19 sẽ còn kéo dài trong vài tuần nữa do hệ thống xét nghiệm đang rơi vào tình trạng quá tải. Thừa nhận về những chậm trễ đang diễn ra trong quá trình lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, Thủ tướng Scott Morrison cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là vì số ca COVID-19 tăng mạnh do biến thể Omicron gây ra.
Trong những ngày qua, Australia đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt các bộ xét nghiệm tại nhà do số ca COVID-19 tăng cao và thay đổi về các yêu cầu xét nghiệm. Chỉ những người tiếp xúc gần với các trường hợp được xác nhận dương tính, những người có triệu chứng bệnh, nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc người cao tuổi mới được xét nghiệm miễn phí.
Thủ tướng Morrison kêu gọi người dân không cần phải xét nghiệm nếu không thuộc các trường hợp trên và cho biết việc mua các bộ xét nghiệm RAT tại các hiệu thuốc và nhà bán lẻ cũng sẽ bị hạn chế trong vài tuần tới để chờ có thêm nguồn cung mới.
Thủ tướng Morrison cũng cho biết các doanh nghiệp nâng giá quá cao, lên tới 120% đối với bộ xét nghiệm RAT, sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền lên tới 66.000 AUD (46.000 USD) và thậm chí bị phạt tới 5 năm tù. Việc thu gom các bộ xét nghiệm này để rao bán lại trên mạng với giá cao hay gửi ra nước ngoài cũng bị nghiêm cấm.
* Ngày 5/1, Đức thông báo sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại vốn được áp đặt với Vương quốc Anh, Nam Phi kể từ khi biến thể Omicron có tốc độ lây nhiễm cao được phát hiện.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, những người từ Anh hoặc Nam Phi đến Đức sẽ không còn phải cách ly trong 2 tuần. Tuy nhiên, thời gian cách ly đối với du khách nhập cảnh vào Đức từ các quốc gia nằm trong danh sách “các khu vực đáng lo ngại” trong đó có quy định cách ly bắt buộc 14 ngày, sẽ không được rút ngắn thời gian kể cả có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính. Các biện pháp hạn chế trên cũng áp đặt cả với công dân và những người định cư tại Đức trở về từ các “khu vực đáng lo ngại” do biến thể Omicron.
Riêng đối với du khách đến các khu vực có “nguy cơ cao”, nếu có chứng nhận tiêm vaccine, không cần phải cách ly. Với những người chưa tiêm, bắt buộc phải cách ly 10 ngày nhưng có thể rút ngắn xuống một nửa nếu sau 5 ngày xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Nhờ những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt với những người chưa tiêm vaccine, Đức đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm đáng kể từ đầu tháng 12/2021. Tuy nhiên, số ca mắc mới đang có nguy cơ tăng trở lại do biến thể Omicron có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Mặc dù các báo cáo ban đầu cho thấy biến thể Omicron có những tác động nhẹ hơn so với các biến thể trước đây, nhưng bản chất rất dễ lây lan đang có nguy cơ gây quá tải cho hệ thống y tế. Cho đến nay, gần 40% người dân ở Đức đã tiêm mũi vaccine tăng cường.
Viện Robert Koch cho biết ngày 5/1, Đức ghi nhận 58.912 ca nhiễm mới, tăng 47% so với cách đây 1 tuần. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 346 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 112.925 người.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cho rằng Đức cần cân nhắc tăng cường các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội và đẩy mạnh việc tiêm liều tăng cường cho người dân. Dự kiến, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ họp bàn với các nhà lãnh đạo khu vực của nước này về cách thức ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra.