Đưa ra thông báo trên sau cuộc họp Nội các vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố số người nhập cảnh vào Australia bằng các chuyến bay thương mại, bao gồm công dân Australia và người nước ngoài sẽ bị cắt giảm xuống còn 3.185 người/tuần và mức giới hạn này có thể sẽ được duy trì cho đến đầu năm tới. Quyết định này nhằm giảm bớt áp lực đối với các cơ sở cách ly và đối phó với mối nguy hiểm do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vốn đang làm bùng phát các ca mắc bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương trong hai tuần qua.
Thủ tướng Australia khẳng định chính phủ liên bang sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên thế giới và có thể thay đối mức giới hạn tùy theo khuyến cáo của giới chức y tế. Mức giới hạn trên có thể được tăng lên theo tỷ lệ tiêm chủng trong nước và đươc phân loại theo những người đã được tiêm chủng và những người chưa được tiêm chủng.
Cũng tại cuộc họp nêu trên, Nội các Australia đã phê chuẩn kế hoạch gồm 4 giai đoạn cho quá trình chuyển đổi từ giai đoạn ngăn chặn các ca lây nhiễm trong cộng đồng sang sống chung với COVID-19 như bất kỳ bệnh lây nhiễm nào khác, dựa trên số người được tiêm chủng. Mỗi giai đoạn sẽ được kích hoạt khi Australia đạt được một tỷ lệ tiêm chủng nhất định và sẽ được công bố cụ thể trong thời gian tới. Kế hoạch cũng bao gồm cam kết thử nghiệm các phương án cách ly linh hoạt hơn, trong đó có cách ly tại nhà đối với người nhập cảnh đã được tiêm phòng đầy đủ.
Ông Morrison bày tỏ tin tưởng lộ trình trên sẽ giúp tăng tốc chương trình tiêm chủng trong các tháng tới và tất cả người dân Australia đủ điều kiện sẽ được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay mặc dù đến nay mới có khoảng gần 8 triệu mũi vaccine đã được tiêm trên tổng số 20 triệu người trưởng thành ở quốc gia lớn nhất châu Đại Dương này.
Trong khi đó, tại Indonesia, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết chính phủ nước này có thể hoãn mở cửa trở lại đảo Bali cho khách du lịch nước ngoài sau khi số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng đột biến.
Ngày 1/7, phát biểu họp báo trực tuyến về lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng (PPKM) khẩn cấp, ông Pandjaitan cho rằng không thể mở cửa trở lại Bali trong tương lai gần do sự lây lan của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 trong nước. Chính phủ Indonesia hiện đang tập trung xử lý đại dịch COVID-19 và sẽ triển khai PPKM khẩn cấp tại đảo Java và Bali từ ngày 3-20/7 với việc siết chặt các hạn chế xã hội, trong đó có việc đóng cửa tất cả các điểm thăm quan du lịch.
Ông nhấn mạnh chính quyền Indonesia hiện chưa nghĩ đến việc tái mở cửa Bali và đang tìm cách giảm các ca mắc COVID-19 bằng cách đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và đảm bảo người dân tuân thủ các quy trình y tế.
Cùng ngày, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Uno đã quyết định hoãn chương trình “Làm việc từ Bali (WFB)” do việc áp đặt PPKM khẩn cấp. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Sandiaga cũng quyết định đình chỉ các chương trình phục hồi du lịch khác như mở cửa trở lại Bali cho du khách nước ngoài, chương trình du lịch dựa vào vaccine và thỏa thuận hành lang du lịch (TCA).
Theo ông Sandiaga, Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo sẽ điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với các quy định của Ủy ban Phục hồi kinh tế quốc gia và xử lý COVID-19, theo đó sẽ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tuân thủ các biện pháp mới của chính phủ, đồng thời tin tưởng rằng quá trình phục hồi kinh tế sẽ tốt hơn nếu dịch bệnh được kiềm chế.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu thu hút 7 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm nay, trong khi mục tiêu của Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) là 13-14 triệu lượt với dự báo các du khách sẽ bắt đầu quay trở lại nước này 3 tháng sau khi chương trình tiêm chủng toàn quốc ngừa COVID-19 được phát động hôm 13/1.