Người dân Australia đang phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng vọt, do tác động kép của giá xăng, dầu và lãi suất tăng.
Bắt đầu từ ngày 28/9, chương trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, áp dụng cho mặt hàng xăng dầu của Chính phủ Australia, đã chính thức kết thúc. Động thái này đẩy giá của mặt hàng nhiên liệu tại "xứ chuột túi" tăng thêm ít nhất 25 xu Australia (16,5 xu Mỹ) mỗi lít.
Hơn nữa, trong ngày hôm nay (4/10), Hội đồng quản trị của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương nước này) sẽ nhóm họp và dự kiến đưa ra thông báo tiếp tục nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, lên mức 2,85%, ngưỡng cao nhất trong gần một thập niên vừa qua, khiến cho các khoản lãi vay thế chấp sẽ càng trở nên nặng nề hơn.
Nhà kinh tế học Ross Garnaut, giáo sư tại Đại học Melbourne, nhận định nền kinh tế Australia có thể rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật (tăng trưởng kinh tế âm liên tiếp trong hai quý) và người dân sẽ phải đối mặt với "tình trạng thất nghiệp dài hạn", nếu chính phủ không có các biện pháp kịp thời để giải quyết "bài toán" chi phí sinh hoạt tăng phi mã.
Giáo sư Garnaut nói Australia đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, nhưng đó là một điều bất thường. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của tháng 8/2022 ở mức thấp nhất của gần 48 năm, đạt con số 3,5%, Giáo sư Garnaut cho rằng không có gì đảm bảo rằng nền kinh tế Australia sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái, do lãi suất liên tục tăng, đẩy gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và các hộ đi vay. Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng nhanh chóng, khi thị trường lao động đạt mức "bão hòa" và gây ra hiệu ứng dây chuyền, khiến nhiều người mất việc làm hơn.
Nhà kinh tế học Matt Grudnoff, giám đốc chương trình kinh tế tại Viện nghiên cứu Australia, nhấn mạnh Canberra cần phải phản ứng nhanh hơn để tránh những vấn đề thậm chí còn thảm khốc hơn. Ông Grudnoff nói nếu chính phủ không hành động, Australia sẽ có thêm một số lượng lớn người vô gia cư và người nghèo xin trợ cấp xã hội.
Tuần trước, Cơ quan Thống kê Australia (ABS) đã công bố số liệu kinh tế tháng 8/2022, cho thấy lạm phát của nước này đạt 6,8%, giảm nhẹ so với mức đỉnh 7% của tháng trước đó. Tuy nhiên, ABS nhận định lạm phát giảm chỉ là tạm thời nhờ giá xăng dầu giảm. Nhà kinh tế trưởng Brendan Rynne của công ty KPMG cho biết nếu loại trừ các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm, lạm phát lõi của Australia đã tăng lên 6,1% tính đến tháng 8/2022. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1990 và lớn gấp đôi biên độ lạm phát mục tiêu 2-3% của RBA.
Điều đáng mừng là tâm lý người tiêu dùng Australia vẫn lạc quan, bất chấp những đe dọa từ áp lực giá sinh hoạt. Kết quả khảo sát kinh tế hàng tuần mới nhất của Ngân hàng ANZ và công ty nghiên cứu thị trường Roy Morgan cho biết bốn trong năm chỉ số phụ của bảng đánh giá niềm tin người tiêu dùng Australia đã tăng điểm, trong đó chỉ số điều kiện kinh tế hiện tại tăng 4,8% và điều kiện kinh tế trong tương lai lần đầu tiên tăng 6%. Thông tin này củng cố cho luận điểm của Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers rằng nền kinh tế "xứ chuột túi" sẽ tăng trưởng ổn định và mở rộng.
Nhờ hoạt động xuất khẩu khởi sắc, kết thúc năm tài chính 2021 - 2022 ngân sách Australia đã tăng thêm 50 tỷ AUD (33 tỷ USD). Ông Chalmers cho biết, trong tháng 10/2022, Canberra dự kiến sẽ tập trung sử dụng ngân sách để trợ cấp chi phí sinh hoạt cho người dân.