Phát biểu với báo giới ngày 9/11, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh Canberra hoan nghênh Mỹ trở lại với hiệp định biến đổi khí hậu nói trên. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong khi chính phủ của ông đang phải đối mặt với áp lực mới nhằm thúc đẩy nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon. Tuy chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã cam kết mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng chính phủ liên bang của Thủ tướng Morrison vẫn chưa tuyên bố điều này. Australia hiện là nhà xuất khẩu lớn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, và Thủ tướng Morrison cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã thực thi các cam kết bảo vệ khí hậu.
Cũng trong ngày 9/11, nghị sĩ độc lập Zali Steggall đã trình lên Quốc hội liên bang Australia một dự luật về bảo vệ khí hậu, nhằm đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon, trong đó cảnh báo rằng Australia sẽ trở nên lạc lõng trong cộng đồng quốc tế nếu nước này không tăng cường các cam kết về khí hậu.
Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tuần trước. Tuy nhiên, trong cương lĩnh tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Biden đã cam kết sẽ đưa Washington tham gia trở lại hiệp ước này và theo đó nước Mỹ sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2050.
Trong phát biểu ngày 9/11, Thủ tướng Morrison cũng nêu rõ sự thất vọng của Australia đối với chủ trương "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump. Ông Morrison đồng thời bày tỏ hoan nghênh nếu Mỹ trở lại các tổ chức toàn cầu khác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tiếp đó có thể là hiệp ước thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà Australia và 10 quốc gia khác ký kết vào năm 2018.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Morrison khẳng định Australia hoan nghênh Mỹ phối hợp hài hòa với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo ông, con đường để thoát khỏi cuộc suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra là "thương mại dựa trên thị trường, thương mại công bằng, theo các quy tắc phù hợp thông qua WTO".