Theo Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Australia Zed Seselja, các báo cáo ban đầu cho thấy vụ núi lửa phun trào dẫn tới sóng thần xảy ra ngày 15/1 không gây thương vong lớn. Tuy nhiên, cảnh sát Australia đã đến khảo sát một số bãi biển và nhận thấy nhiều nhà cửa bị cuốn trôi. Phát biểu trên đài phát thanh, Bộ trưởng Seselja cho biết có thiệt hại đáng kể, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng. Riêng sân bay Tonga dường như vẫn trong tình trạng tốt.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết các máy bay thị sát sẽ giúp thu thập thông tin đánh giá tình hình tại hiện trường và cung cấp cho Chính phủ Tonga những dữ liệu cần thiết để tiến hành các hoạt động cứu trợ. Bà Ardern cũng nhấn mạnh người dân tại Tonga hiện đang rất cần nước sạch.
Australia và New Zeland cũng đã điều động các máy bay vận tải quân sự C-130 trực sẵn để thả hàng hóa cứu trợ hoặc hạ cánh để bàn giao hàng cứu trợ nếu các đường bay tại sân bay Tonga vẫn sử dụng được. Các máy bay tuần tra của 2 nước sẽ tiếp tục đánh giá tình hình ở các hòn đảo bên ngoài đang bị gián đoạn liên lạc hoàn toàn.
Phó trưởng phái đoàn ngoại giao của Tonga tại Australia Curtis Tu'ihalangingie cho biết chính phủ nước này hiện đang cân nhắc các ưu tiên khi triển khai hoạt động cứu trợ. Chính phủ Tonga lo ngại hoạt động vận chuyển đồ cứu trợ sẽ kéo theo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 vào đảo quốc vốn chưa ghi nhận sự xuất hiện của dịch bệnh này. Ông Curtis nhấn mạnh chính phủ nước này không muốn chứng kiến thêm "một cơn sóng thần" khác là "sóng thần COVID-19". Hàng hóa cứu trợ chuyển đến Tonga cần được cách ly và người nước ngoài không được xuống máy bay.
Núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai phun trào ngày 15/1 đã kéo theo một trận sóng thần ập vào bờ biển Tonga, làm gián đoạn liên lạc điện thoại và internet trên toàn bộ đảo chính. Liên lạc quốc tế cũng bị cản trở vì một đường dây cáp dưới biển bị hỏng và cần ít nhất hơn 1 tuần để khắc phục. Hiện Australia và New Zealand đang liên lạc với Tonga qua vệ tinh. Dù các mạng kết nối điện thoại đã được khôi phục nhưng tro bụi bao phủ đang gây ra nguy cơ lớn đối với sức khỏe người dân, làm ô nhiễm nguồn nước.
Chia sẻ trên Facebook, chủ nhân của khu nghỉ dưỡng Ha'tafu Beach Resort cho biết toàn bộ khu nghỉ dưỡng, cách thủ đô Nuku'alofa 21km về phía Tây, đã bị xóa sổ. Đại diện khu nghỉ dưỡng cũng cho biết toàn bộ vùng duyên hải phía Tây cùng với làng Kanukupolu đã bị tàn phá. Hội Chữ thập đỏ quốc tế đang huy động nhân lực và vật lực để hỗ trợ ứng phó tác động của vụ phun trào núi lửa được cho là tồi tệ nhất ở khu vực Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ qua.
Trong nhiều năm qua, núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai nhiều lần phun trào, nhưng vụ phun trào ngày 15/1 gây ảnh hưởng lan đến cả các nước như Fiji, New Zealand, Mỹ và Nhật Bản, khiến một số nước phát cảnh báo sóng thần. Tối 16/1, Australia thông báo hạ cảnh báo sóng thần tại một số bang ở duyên hải phía Đông và các hòn đảo ngoài khơi xuống mức cảnh báo nguy cơ đối với hệ sinh thái biển.
Dù đã hạ cảnh báo sóng thần, nhưng Cơ quan khí tượng Australia (BoM) cho biết vẫn xuất hiện những đám mây tro bụi bao phủ một số khu vực thuộc bang Queensland. Những đám mây tro bụi sẽ tiếp tục di chuyển về hướng Tây qua bang này để tiến về Vùng lãnh thổ phía Bắc. Các dữ liệu ban đầu cho thấy đây là vụ núi lửa phun trào mạnh nhất kể từ khi núi Pinatubo ở Philippines phun trào cách đây 30 năm.