Giáo sư Andrew Pask cùng các cộng sự ở Đại học Melbourne vừa thành lập phòng thí nghiệm Nghiên cứu Phục hồi Di truyền Tích hợp hổ Tasmania (TIGRR) nhằm phát triển các công nghệ cho phép hồi sinh loài hổ Tasmania đã tuyệt chủng.
Theo giáo sư Pask, cho đến nay, bước đột phá lớn nhất của nhóm là giải mã thành công trình tự bộ gene hổ Tasmania, tạo nên một bản thiết kế ADN hoàn chỉnh về loài động vật này. Từ bộ gene trên, các nhà khoa học đã phát triển các tế bào gốc của một loài thú có túi vốn có quan hệ họ hàng gần với hổ Tasmania là chuột túi nhỏ dunnart.
Giáo sư Pask nêu rõ bước tiếp theo là so sánh bộ gene của hai loài để xem chúng khác nhau ở điểm nào, sau đó sẽ chỉnh sửa các tế bào ADN của chuột dunnart để tạo thành ADN của hổ Tasmania.
Các nhà khoa học lạc quan rằng họ sẽ tạo ra một tế bào giống hổ Tasmania, từ đó có thể hồi sinh một con hổ sống.
Giáo sư Pask nhấn mạnh ngoài mục tiêu hồi sinh loài hổ Tasmania, nhóm cũng sẽ áp dụng những tiến bộ khoa học trong công tác bảo tồn để hỗ trợ các chương trình nhân giống nhằm ngăn chặn các loài thú có túi khác chịu chung số phận như hổ Tasmania.
Hổ Tasmania là một loại thú ăn thịt có túi trông giống như chó sói, đã tuyệt chủng ở đại lục Australia khoảng 3.000 năm trước và chỉ còn tìm thấy ở đảo Tasmania cho đến khi những người định cư châu Âu đến đây săn bắn. Con hổ Tasmania cuối cùng chết trong điều kiện nuôi nhốt vào năm 1936.
Dự án hồi sinh loài hổ Tasmania nhận được hỗ trợ tài chính 5 triệu AUD (khoảng 3,7 triệu USD) từ tổ chức từ thiện Wilson Family Trust.
Ngoài kế hoạch hồi sinh loài Tasmania, giáo sư Pask còn có tham vọng đem lại sự sống cho loài voi Mammoth.