Cuộc khảo sát do Giáo sư y tế công Karen Willis, thuộc Đại học Victoria, và Phó Giáo sư Natasha Smallwood, thuộc Đại học Monash thực hiện trong năm 2020, với sự tham gia của hơn 7.800 nhân viên và chuyên gia y tế. Theo đó, 70,9% những người tham gia khảo sát cho biết họ đã phải trải qua suy kiệt về tinh thần, trong khi 40% có các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) ở mức từ trung bình đến nặng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy trong thời gian đại dịch bùng phát, một số nhân viên y tế đã nhiễm virus SARS-CoV-2, chủ yếu do tiếp xúc tại nơi làm việc. Các nhân viên y tế tuyến đầu phải đối mặt với rất nhiều áp lực khi làm việc trong thời kỳ đại dịch. Các áp lực chính bao gồm: làm việc liên tục, kéo dài và không được trả lương; lo lắng về khả năng chăm sóc cho bệnh nhân và sang chấn tinh thần khi chứng kiến bệnh nhân tử vong mà không có người thân bên cạnh; bị đồng nghiệp đổ lỗi hay gây căng thẳng cho đồng nghiệp khi tiếp xúc hoặc nhiễm virus và không thể đi làm; lo lắng về những người mắc các bệnh khác nhưng không nhận được điều trị cần thiết trong thời gian đại dịch vì ngại tới các cơ sở y tế hoặc các dịch vụ y tế bị cắt giảm; gia tăng các ca bệnh tâm thần trong cộng đồng do các hạn chế xã hội; lo lắng về an toàn nơi làm việc và nguy cơ mang virus từ nơi làm việc về nhà gây lây nhiễm cho người trong gia đình.
Theo các chuyên gia của Australia, những áp lực như vậy khiến ngày càng nhiều nhân viên y tế nghĩ đến khả năng xin thôi việc.
Trong bối cảnh hiện nay, khi số ca nhiễm biến thể Delta tăng mạnh, các nhân viên y tế phải đối mặt với những áp lực lớn hơn nữa khi rủi ro phơi nhiễm cao hơn. Một cơ sở y tế phơi nhiễm có thể khiến hàng trăm nhân viên bị loại khỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe. Xét nghiệm và cách ly trở nên thường xuyên hơn, gây gián đoạn việc chăm sóc con cái, ảnh hưởng đến người vợ hay chồng và các đồng nghiệp vốn đã rất căng thẳng nay lại phải đảm nhận thêm công việc cho người khác. Lực lượng nhân viên y tế không phải là vô hạn, trong khi các phòng khám xét nghiệm COVID-19 và các trung tâm tiêm chủng cũng rất cần bổ sung nhân lực.
Do đó, theo các chuyên gia y tế Australia, khi xác định sống chung với dịch COVID-19, cần bảo đảm một hệ thống y tế không những có khả năng đối phó với những áp lực “bình thường” trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả người dân, mà còn phải đáp ứng yêu cầu chăm sóc và điều trị ngắn hạn và dài hạn của những người mắc COVID-19. Việc chuẩn bị hệ thống y tế để ứng phó với đại dịch cần bao gồm hỗ trợ nhân viên y tế và bảo vệ họ khỏi tình trạng suy kiệt về mặt tinh thần và làm việc quá sức. Sức khỏe tinh thần của các nhân viên y tế là một vấn đề quan trọng không chỉ đối với bản thân và gia đình họ, mà còn quan trọng đối với việc chăm sóc bệnh nhân và duy trì lực lượng lao động này, tài sản quý giá nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của mỗi quốc gia.