Phát biểu với báo giới, Thủ hiến bang New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian cho biết: "Trong sáng nay, mọi nỗ lực đều là để phục hồi, đảm bảo những người bị mất chỗ ở có một nơi an toàn để đến, và để chắc chắn rằng chúng tôi có nguồn lực để triển khai nhằm dọn sạch các tuyến đường và dọn dẹp rác thải". Hiện lực lượng chức năng Australia đang tăng cường các nỗ lực nhằm cung cấp nhu yếu phẩm và đưa hàng nghìn người bị mắc kẹt ở các thị trấn ven biển ở nước này trong những ngày qua trở về nhà.
Những cơn mưa ở Australia trong 2 ngày qua đã phần nào làm dịu những đám cháy rừng dữ dội ở quốc gia châu Đại Dương này cuối tuần qua. Tuy nhiên, giới chức Australia cảnh báo thời tiết khô nóng nguy hiểm sẽ quay trở lại vào cuối tuần này, đe dọa làm cho tình hình cháy rừng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trước đó, ngày 5/1, Bộ Nội vụ Australia - cơ quan điều phối ứng phó với thảm họa và quản lý khẩn cấp của nước này - thông báo đóng cửa trụ sở ở thủ đô Canberra vì chất lượng không khí kém do ảnh hưởng từ các vụ cháy rừng đang hoành hành.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Bộ Nội vụ Australia đã gửi thư điện tử thông báo cho các nhân viên ở Canberra không đến trụ sở làm việc trong 2 ngày tới, trừ một số nhân viên thiết yếu sẽ làm việc tại các địa điểm khác. Chỉ số chất lượng không khí đo được ở khu vực phía bắc thủ đô Canberra đã vượt 4.400 - gấp 22 lần so với mức bị coi là nguy hại, khi khói bụi do gió đưa tới từ các vụ cháy rừng ở bang NSW bao trùm toàn thành phố.
Trong khi đó, Bộ Y tế Australia vẫn hoạt động bình thường nhưng phải chuyển nhân viên tới các văn phòng khác trong thành phố. Các trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em, cửa hàng, bảo tàng và các địa điểm vui chơi, giải trí trên toàn Canberra đều đóng cửa. Bưu điện Australia cũng hủy giao hàng đối với các đơn có địa chỉ người nhận ở Canberra, với lý do bảo đảm an toàn cho nhân viên. Ngoài ra, tất cả các chuyến bay trong ngày 5/1 của hãng hàng không Qantas tại sân bay Canberra đã bị hủy.
Mùa cháy rừng năm nay ở Australia đến sớm hơn mọi năm sau trận hạn hán kéo dài 3 năm qua khiến phần lớn cánh rừng ở nước này trở nên khô cháy và dễ có nguy cơ bùng phát hỏa hoạn. Giới khoa học cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Tính đến thời điểm hiện tại, cháy rừng đã thiêu rụi hơn 5 triệu ha đất.