Bang Tây Australia sắp trở thành nơi có tòa nhà bằng gỗ cao nhất trên thế giới, sau khi giới chức ở thành phố Perth phê duyệt kế hoạch xây dựng một tòa nhà chọc trời cao bằng gỗ kết hợp với các loại vật liệu khác.
Mới đây, Hội đồng Đánh giá Phát triển Khu vực Trung tâm Nam Perth (JDAP) đã chấp thuận đề xuất xây dựng tòa nhà bằng gỗ (hiện có tên là C6) của Grange Development. Hội đồng cho biết, 42% của tòa nhà này sẽ được xây từ gỗ, với cột và trụ chính được làm bằng bê tông cốt thép.
Tòa nhà C6 do Elenberg Fraser thiết kế sẽ cao tới 191,2m và có 50 tầng.
Theo hội đồng các tòa nhà cao tầng và môi trường đô thị, nếu C6 hoàn thành, tòa nhà cao tầng này sẽ vượt kỷ lục về độ cao so với tòa nhà gỗ kết hợp với bê tông cao nhất thế giới hiện tại là Ascent tại Milwaukee (Mỹ), có 25 tầng, tương đương 86 mét.
Cấu trúc đầy tham vọng của C6 sẽ làm lu mờ tòa tháp gỗ của công ty Atlassian ở Sydney, vẫn đang được xây dựng và dự kiến sẽ đạt 180m vào năm 2025.
Giống như tòa nhà của Atlassian, tòa tháp C6 sẽ kết hợp các dầm gỗ ép với bộ khung ngoài bằng thép để hỗ trợ cấu trúc. Theo Grange Development, tòa nhà 50 tầng này có sức chứa hơn 200 căn hộ. Đồng thời, đây cũng sẽ là một trong những tòa nhà dân cư âm carbon đầu tiên của Australia.
Mặc dù chưa có thời gian xây dựng cụ thể các căn hộ C6, nhưng dự án này có giá trị ước tính khoảng 350 triệu USD sau khi hoàn thành.
"Khát vọng của chúng tôi đối với C6 là thay đổi cách tiếp cận của mọi người về môi trường một cách đơn giản và có ý thức về khí hậu hơn", Giám đốc phát triển Grange, ông James Dibble nói.
Trong giai đoạn xây dựng, dự kiến tòa nhà sẽ cô lập được 10,5 triệu kg CO2, tương đương với lượng carbon của 4.885 chuyến bay hạng phổ thông từ Perth đến London.
Theo Grange, tòa nhà sẽ sử dụng 7.400 mét khối gỗ lấy từ 600 cây gỗ. Ông Dibble nhấn mạnh thêm rằng số gỗ cần thiết cho dự án có thể được tái sinh trong vòng chưa đầy một giờ chỉ từ 600 cây rừng bền vững.
“Chúng tôi không thể sản xuất bê tông”, ông James Dibble cho biết trong một đề xuất đệ trình lên chính quyền Perth. Ông gọi kế hoạch này là một kế hoạch chi tiết, sử dụng phương pháp xây dựng kết hợp để bù đắp lượng carbon trong môi trường xây dựng. Bởi đó chính là tác nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu.
"Đây là cơ hội để tuyên bố rằng chúng tôi thực sự quan tâm đến cả tình trạng khủng hoảng về nhà ở hiện tại và vấn đề biến đổi khí hậu. Điều mà chúng ta đang không thực sự quan tâm trong ngành xây dựng", ông James Dibble bày tỏ.
Bên cạnh việc sử dụng chất liệu gỗ, kế hoạch của Grange còn bao gồm các yếu tố xanh khác như một khu vườn trên mái, một trang trại đô thị và cung cấp cho cư dân quyền sử dụng 80 chiếc xe Tesla Model 3 hoàn toàn chạy bằng điện.
Philip Oldfield, Giáo sư kiến trúc phụ trách Khoa Môi trường Xây dựng, Đại học New South Wales nói rằng, xét về góc độ môi trường, dự án này có điểm nhấn ấn tượng.
"Thường thì chúng ta xây dựng các tòa nhà cao tầng bằng thép và bê tông. Xi măng đóng góp 8% tổng lượng khí CO2. Vì vậy, việc sử dụng vật liệu sinh học như gỗ sẽ giảm thiểu tác động môi trường của tòa nhà một cách đáng kể", Giáo sư Oldfield ghi nhận.
Song, Giáo sư Oldfield vẫn tỏ ra hoài nghi: “Tôi hơi suy nghĩ về ý kiến cho rằng nó không chứa carbon. Bởi cách duy nhất để giảm lượng carbon là nếu tòa nhà lưu trữ nhiều carbon trong gỗ hơn lượng carbon được thải ra bởi các vật liệu khác. Điều đó có thể xảy ra nhưng chỉ là tạm thời".
Tuy nhiên, ông Oldfield lạc quan vì việc sử dụng vật liệu gỗ ngày càng tăng trong ngành xây dựng. “Nhìn chung, tôi nghĩ đó là một bước tiến tuyệt vời. Chúng ta thực sự cần phải xây dựng thêm nhiều tòa nhà bằng gỗ”.