Thông báo của Thủ tướng Scott Morrison được đưa ra trong bối cảnh Australia tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và đặt mục tiêu mở cửa lại biên giới vào tháng 11 tới.
Nhà lãnh đạo Australia cho biết thuốc molnupiravir vẫn cần được thử nghiệm trong vài tháng tới ở Mỹ, nhưng khẳng định Australia sẽ sớm có loại thuốc này ngay sau khi được Cơ quan quản lý sản phẩm trị liệu Australia (TGA) cấp phép sử dụng.
Trả lời phỏng vấn tờ Nine News, ông Morrison nhấn mạnh: “Những phương pháp điều trị này giúp chúng ta có thể sống chung với dịch bệnh COVID-19”.
Trước đó, ngày 1/10, hãng Merck Sharp & Dohme thông báo kết quả thử nghiệm thuốc molnupiravir cho thấy thuốc này có thể giảm một nửa nguy cơ tử vong và nhập viện ở những bệnh nhân COVID-19 nguy cơ diễn biến nặng.
Hiện Australia đang sử dụng hai loại thuốc remdesivir và sotrovimab để điều trị bệnh nhân COVID-19 trong nước. Tuy nhiên, thuốc molnupiravir dễ sử dụng vì bệnh nhân có thể tự uống thuốc theo đơn, qua đó giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế. Liều uống đối với những bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19 từ nhẹ đến trung bình là 2 lần/ngày và sử dụng liên tiếp trong 5 ngày.
Chính phủ Australia hy vọng hãng Merck Sharp & Dohme sẽ sớm nộp đơn xin cấp phép sử dụng tạm thời thuốc molnupiravir để TGA có thể đánh giá vào cuối năm 2021 và phê duyệt sử dụng vào đầu năm 2022.
Australia đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm sớm mở cửa trở lại dựa trên tỷ lệ tiêm chủng cao tại các thành phố lớn Sydney và Melbourne và thủ đô Canberra. Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, đã sẵn sàng mở cửa trở lại vào ngày 11/10 tới sau khi 70% dân số trên 16 tuổi dự kiến được tiêm chủng đầy đủ và số ca mắc mới trong ngày đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 tuần vào hôm 4/10. Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 vẫn tiếp tục tăng cao ở bang Victoria và ngày 5/10 ghi nhận mức cao kỷ lục 1.763 ca.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết nước này dự kiến đến sáng 5/10 hoàn thành tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 cho 80% người dân từ 16 tuổi trở lên. Bộ trưởng Hunt nhấn mạnh con số 80% là một thước đo quan trọng, là một dấu mốc để mọi người dân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Trong số các địa phương ở Australia, Vùng Lãnh thổ thủ đô (ACT) và bang New South Wales (NSW) dẫn đầu về tỷ lệ tiêm liều vaccine đầu tiên, lần lượt là 93,3% và 88,5%. Cả hai địa phương này đều rất gần mục tiêu 70% dân số tiêm đủ hai liều vaccine để có thể bắt đầu nới lỏng tình trạng phong tỏa hiện nay.
Trên toàn quốc, khoảng 57% dân số trưởng thành ở Australia đã được tiêm phòng đầy đủ.