Chỉ vài giờ trước khi bước sang năm 2021, Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố bài quốc ca "Advance Australia Fair" sẽ được sửa một từ ở dòng đầu tiên, như một sự công nhận đối với lịch sử 60.000 năm của cộng đồng người bản địa.
Theo đó, vế thứ hai trong câu đầu tiên của bài quốc ca sẽ được sửa từ "for we are young and free" (tạm dịch: Vì chúng ta trẻ và tự do) sang "for we are one and free" (tạm dịch: Vì chúng ta là một và tự do).
“Đất nước Australia hiện đại có thể tương đối trẻ trung, nhưng câu chuyện của chúng ta mang tính cổ xưa, cũng như những câu chuyện của nhiều người dân bản địa, với vị thế được chúng ta công nhận và tôn trọng”, Thủ tướng Morrison viết trên tờ Sydney Morning Herald.
"Với tinh thần đoàn kết, thật đúng đắn khi chúng ta thừa nhận điều này và đảm bảo rằng quốc ca của chúng ta phản ánh sự thật và thể hiện sự đánh giá cao. Việc thay đổi từ 'trẻ và tự do' sang 'là một và tự do' không có gì nhiều nhưng tôi tin rằng điều đó sẽ tạo thêm nhiều ý nghĩa", ông Morrison nhấn mạnh.
Chính phủ Australia có lịch sử nhiều lần sửa đổi để quốc ca mang tính bao quát hơn. Khi sáng tác gốc năm 1878 của Peter Dodds McCormick được tuyên bố là quốc ca vào năm 1984, thay thế cho bài "God Save the Queen", có hai chữ "sons" (những người con trai) đã được sửa thành đại từ mang tính trung lập giới tính hơn.
Những năm gần đây, quốc ca Australia đã trở nên gây tranh cãi khi vấn đề quyền đại diện của người bản địa, tình trạng bất bình đẳng hệ thống và bất công về chủng tộc được đưa ra thảo luận rộng rãi hơn.
Đặc biệt nhiều người đã phản đối cụm từ “vì chúng ta trẻ và tự do”, theo họ nó giống như sự thừa nhận với sự kiện Hạm đội Một của Anh đổ bộ vào Australia năm 1788, trong khi nước Úc là quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới.
Năm 2018, một bé gái 9 tuổi đã bị các chính trị gia nổi tiếng chỉ trích, kêu gọi đuổi học em, vì cô bé từ chối hát quốc ca để thể hiện sự tôn trọng với người bản địa.
Năm 2019, các vận động viên Australia cũng gây xôn xao vì từ chối hát quốc ca tại các trận đấu bóng đá. Và vào năm 2020, các cầu thủ của Liên đoàn Bóng bầu dục quốc gia đã hát bài quốc ca bằng tiếng Eora. Đây là lần đầu tiên bài quốc ca Australia được hát bằng ngôn ngữ thổ dân tại một sự kiện thể thao lớn.
Peter Vickery, nhà sáng lập và là chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận “Representation In Anthem” (Đại diện trong quốc ca), từ năm 2016 đã vận động vì một bài quốc ca mang tính bao trùm hơn. "Nhiều người bản địa của chúng tôi cảm thấy khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, khi hát những ngôn từ mang tính loại trừ của bài 'Advance Australia Fair’'', ông Vickery phát biểu, "Chúng ta không thể có một bài quốc ca gây tổn thương cho chính người dân của mình."
Ông Vickery đã làm việc với các nhà lãnh đạo cộng đồng bản địa và ca sĩ bản địa để tạo ra lời bài hát thay thế, bao hàm hơn – với thay đổi ở cụm từ "một và tự do". Chiến dịch của họ đã có động lực lớn hơn vào năm ngoái khi Gladys Berejiklian, thủ hiến bang New South Wales, bày tỏ sự ủng hộ.
“Thành thật mà nói, tôi rất phấn khởi. Chúng tôi đã đạt được mục tiêu chính, đó là chuyển những từ ngữ gây tổn thương hoặc loại trừ thành những từ mang tính hòa nhập, vì một xã hội đa văn hóa của thế kỷ 21", ông Vickery phát biểu.
Những nhân vật nổi tiếng ngườii bản địa, bao gồm Bộ trưởng phụ trách người Australia bản địa Ken Wyatt và vận động viên chạy nước rút từng đoạt huy chương vàng Olympic Cathy Freeman, cũng ăn mừng sự thay đổi này.
Tuy vậy, thay đổi nói trên cũng vấp phải sự hoài nghi của một số người cho rằng nó không đáng kể và chỉ mang tính biểu tượng, hơn là tác động đến bất kỳ sự thay đổi thực sự nào.
“Thay đổi một chữ trong quốc ca là chưa đủ”, cựu vô địch quyền Anh người bản địa Anthony Mundine đăng trên Twitter.
Ông Vickery thừa nhận những lời chỉ trích như vậy, nói rằng sức mạnh biểu tượng của chiến dịch "không bao giờ có thể thay thế được cho sự thực chất”,, tuy nhiên việc sửa quốc ca vẫn là "bước đầu tiên cực kỳ quan trọng."
Các nhà phê bình khác lại tranh cãi về thông điệp đoàn kết, cho rằng chữ “tự do” trong lời quốc ca bị huỷ hoại bởi những chính sách gây tranh cãi đối với người xin tị nạn cũng như các rào cản với người bản địa.
Dân số bản địa tại Australia chiếm 3,3% trong 25 triệu dân, nhưng họ chiếm tới hơn 1/4 tổng số 41.000 tù nhân. Người thổ dân Úc cũng có nguy cơ tự tử cao gấp gần hai lần, có tuổi thọ trung bình thấp hơn 9 năm và có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn người không bản địa. Tỷ lệ thất nghiệp của người bản địa cao hơn 4 lần so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.
Ian Hamm, Chủ tịch tổ chức First Nations Foundation, ca ngợi lời bài hát đã thay đổi nhưng ông nhấn mạnh những hành động khác, cụ thể hơn cần được thực hiện. Chẳng hạn, không giống như các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung khác như New Zealand và Canada, Australia vẫn chưa có hiệp ước giữa chính phủ và người bản địa. Hiến pháp Australia cũng không đề cập rõ ràng đến dân số bản địa của đất nước.
“Tôi nghĩ đó là một bước tốt, nhưng suy cho cùng, đó chỉ là một bước, một việc", ông Ian Hamm bình luận, "Có rất nhiều sáng kiến, thay đổi và nỗ lực khác cần được thực hiện để tạo ra sự bình đẳng về cơ hội và sự bình đẳng trong cuộc sống cho người bản địa."