Theo phóng viên TTXVN tại Australia, đây là loại vaccine đầu tiên sẽ được thử nghiệm trực tiếp trên cơ thể sống của virus SARS-CoV-2 nhằm xác định mức độ hiệu quả. Đồng trưởng nhóm nghiên cứu về loại vaccine này, Tiến sỹ Keith Chappell cho biết thử nghiệm ban đầu sẽ giúp thiết lập một gói dữ liệu quan trọng trước khi đưa vaccine vào thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người vào cuối năm nay.
Dự kiến, các thử nghiệm lâm sàng sẽ do công ty quốc tế Viroclinics Xplore, nơi chuyên cung cấp các xét nghiệm lâm sàng, thực hiện. Theo ông Chappell, loại vaccine trên có khả năng khóa lớp protein quan trọng nhất của virus SARS-CoV-2, chuyển chúng thành một dạng cho phép hệ thống miễn dịch có thể nhận biết và vô hiệu hóa.
Trước đó, Đại học Queensland là một trong số các đơn vị đầu tiên trên thế giới đã thành công trong việc tái tạo nguyên mẫu virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm và ngay lập tức đã chuyển sang nghiên cứu, bào chế vaccine.
Tiến trình bào chế và thử nghiệm vaccine là một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm loại bỏ căn bệnh COVID-19. Ngày 15/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra mắt Quỹ Đoàn kết, nơi tập hợp các chương trình thử nghiệm lâm sàng quốc tế, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Cho tới nay đã có hơn 90 công ty và các tổ chức nghiên cứu trên thế giới tham gia vào quỹ này với ít nhất 4 cuộc thử nghiệm vaccine đã được thực hiện trên động vật, trong đó vaccine đầu tiên do Công ty Công nghệ Sinh học Moderna có trụ sở tại thành phố Boston (Mỹ) bào chế đã gần hoàn tất quá trình thử nghiệm trên động vật và chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.
Thống kê mới nhất cho thấy tính đến chiều 9/4, Australia ghi nhận số ca nhiễm vượt ngưỡng 6,000 người, với 51 ca tử vong. Theo thông báo từ Bộ trưởng Y tế nước này Greg Hunt, đang có những dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19 khi lần đầu tiên số ca nhiễm trong ngày tại quốc gia này chỉ là 96 ca, thấp nhất kể từ khi các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được ban hành hồi tháng 3 vừa qua.