Tính đến nay, Australia và New Zealand đã hơn 1 tháng đóng cửa biên giới đối với toàn bộ người nước ngoài và tiến hành cách ly đối với những công dân từ nước ngoài về nước. Hiện tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở cả hai nước chỉ khoảng 1%, thấp hơn so với hầu hết các nước, trong khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại nước này rất nhỏ so với con số đỉnh điểm hồi tháng 3.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Australia, Scott Morrison tuyên bố tuyến đường quốc tế đầu tiên được khôi phục giữa hai nước là tuyến đường xuyên Biển Tasman và thời điểm khôi phục có thể diễn ra cùng thời điểm các chuyến bay nội địa hoạt động trở lại.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cùng ngày đã tham dự một cuộc họp của Nội các Australia. Bà trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên tham dự cuộc họp nội các của Australia trong hơn 60 năm qua. Bà Adern khẳng định hai bên sẽ cần thời gian để thống nhất về vấn đề mở cửa biên giới.
Tính đến nay, Australia ghi nhận khoảng 6.800 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 96 ca tử vong, trong khi con số này tại New Zealand lần lượt là 1.137 ca và 20 ca. Hiện các quy định về giãn cách xã hội đã được nới lỏng tại New Zealand và tại một số bang của Australia và các vùng lãnh thổ của hai nước, song các quy định hạn chế tụ tập đông người và hạn chế đi lại khi không cần thiết vẫn được duy trì. Ngày 5/5 là ngày thứ 2 liên tiếp New Zealand không ghi nhận ca nhiễm mới.
Theo Giám đốc điều hành của hãng hàng không Qantas Airways Ltd, Alan Joyce, các chuyến bay giữa Australia và New Zealand có thể hoạt động trở lại sau khi các tuyến đường bay nội địa mở cửa trở lại. Quy mô hoạt động của Qantas hiện chỉ ở mức 5% mạng lưới nội địa và 1% mạng lưới quốc tế so với thời điểm trước thời kỳ dịch bệnh.
Trên thực tế, việc hai nước mở lại đường bay giữa hai nước mang đến lợi ích cho cả hai nước khi các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội đã khiến kinh tế hai nước chịu tổn thất lớn. Theo Cục thống kê Australia, từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, Australia đã mất gần 1 triệu việc làm. Canberra đã công bố các biện pháp hỗ trợ kinh tế trị giá 320 tỷ đôla Australia (206 tỷ USD), tương đương 16% GDP của nước này, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đã khiến nước này có nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên trong gần 30 năm qua. Ngân hàng dự trữ Australia dự báo nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới này sẽ gánh chịu sự suy giảm lớn nhất trong nửa đầu năm 2020, song vẫn hy vọng vào sự phục hồi khi virus SARS-CoV-2 được khống chế.
Theo một chuyên gia kinh tế, GDP của nước này thậm chí đã có thể sẽ diễn biến tiêu cực hơn, nếu Australia theo "gót" châu Âu, áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với các dịch vụ không cần thiết. Chuyên gia còn nhận định rằng nếu các biện pháp hạn chế như vậy được siết chặt hơn nữa trong thời điểm hiện nay, giống như việc phong tỏa trong 8 tuần tại châu Âu, tác động tiêu cực lên GDP có thể tăng gấp đôi, lên tới lên tới 24%, tương ứng 120 tỷ USD trong quý 2/2020.