Australia và Pháp đánh giá tích cực về hiệu quả vaccine của AstraZeneca

Ngày 12/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bày tỏ tin tưởng vào biện pháp kiểm soát chất lượng vaccine của nước này khi đánh giá về vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh).

Chính phủ Australia đã đặt mua 53,8 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca, nhiều hơn bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào khác và sẽ có 50 triệu liều vaccine được sản xuất trong nước.

Chú thích ảnh
 Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan chức cấp cao về y tế của Australia Paul Kelly cho rằng hiện chưa có bằng chứng nào tại Australia cho thấy vaccine của AstraZeneca gây ra các cục máu đông. Ông nhấn mạnh an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu. Với việc tiến hành tiêm phòng lượng lớn vaccine, Australia sẽ cần phải theo dõi kỹ lưỡng để phát hiện bất kỳ hiện tượng bất thường nào. 

Tính đến ngày 12/3, Australia đã tiêm phòng được cho 135.000 người. Trước đó, Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) cảnh báo chính phủ sẽ không thể đạt được mục tiêu tiêm chủng cho toàn dân vào tháng 10 tới, do việc thiếu nguồn cung làm chậm công tác tiêm phòng. Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison cho rằng điều này sẽ chỉ ảnh hưởng đến số lượng vaccine trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Trong khi đó, người đứng đầu chương trình tiêm vaccine của Pháp Alain Fischer cho biết vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca đã cho thấy hiệu quả tốt, đồng thời tái khẳng định cam kết sử dụng vaccine này trong chiến dịch tiêm phòng.

Phát biểu trên đài Classique, ông Fischer hoan nghênh việc giới chức y tế Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19 do hãng Johnson & Johnson phát triển. Tuy nhiên, ông Fischer lưu ý vaccine này sẽ chưa có mặt tại Pháp trước tháng 4 tới.

Trong thông báo mới nhất, Trợ lý Thủ tướng Ba Lan Michal Dworczyk cho biết hãng AstraZeneca sẽ giảm 550.000 liều vaccine ngừa COVID-19 dự kiến bàn giao cho Ba Lan trong tháng này.  Cũng giống như nhiều nước thành viên EU, chương trình tiêm phòng tại Ba Lan đang gặp khó khăn do các nhà sản xuất chậm giao hàng. Ba Lan hiện đã tiêm phòng cho hơn 4 triệu người tổng số triệu dân.

Trước đó, hãng AstraZeneca đã thừa nhận công ty này thiếu hụt khoảng 60% trong tổng số 100 triệu liều vaccine dự kiến giao cho EU trong quý I/2021 mà nguyên nhân là do vấn đề năng lực tại các nhà máy sản xuất tại châu Âu. Công ty này hy vọng sẽ cải thiện năng suất trong quý II/2021.

Không chỉ thực hiện các hợp đồng cung cấp vaccine cho từng nước, AstraZeneca hiện là một trong những nhà cung ứng vaccine cho  COVAX - cơ chế phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình do Tổ chức Y tế Thế giới khởi xướng. Đến nay, đã có hàng chục nước trên khắp các châu lục tiếp nhận vaccine của hãng theo cơ chế COVAX và triển khai chương trình tiêm chủng.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize xác nhận nước này đã ký thỏa thuận đặt mua 11 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson, trong đó bao gồm điều khoản cho phép nước này mua thêm 20 triệu liều nữa, nếu nguồn đáp ứng đủ số hàng. Ông khẳng định vaccine của Johnson & Johnson giúp tiết kiệm chi phí khi chống lại được biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại nước này vào cuối năm ngoái, chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh thường và cần 1 liều duy nhất để phòng COVID-19.

Nam Phi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng vào tháng trước bằng vaccine của hãng Johnson & Johnson. Hiện có 500.000 nhân viên y tế được tiêm vaccine này trong quá trình nghiên cứu nhằm đánh giá tác dụng của sản phẩm, trước khi Nam Phi tiến hành tiêm phòng ở quy mô lớn hơn dự kiến vào quý II năm nay. Công ty dược phẩm Aspen của Nam Phi sẽ chịu trách nhiệm sản xuất vaccine của Johnson & Johnson theo giấy phép.

Đặng Ánh  (TTXVN)
Công ty dược của Nhật Bản bắt đầu sản xuất vaccine của hãng AstraZeneca 
Công ty dược của Nhật Bản bắt đầu sản xuất vaccine của hãng AstraZeneca 

Ngày 12/3, hãng dược phẩm Daiichi Sankyo của Nhật Bản cho biết đã bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh) tại Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN