Ủy ban châu Âu (EU) đã ủng hộ dự án này trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng từ Nga, nước hiện kiểm soát 34% thị trường khí đốt châu Âu và dự định tăng xuất khẩu khí đốt sang khu vực này, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ, từ 171-172 tỉ m3 dự báo trong năm nay lên 183 tỉ m3 trong năm 2021. Mỗi năm, châu Âu tiêu thụ khoảng 500 tỉ m3 khí đốt, chủ yếu dùng vào sản xuất điện. TAP nằm trong dự án Hành lang khí đốt miền Nam trị giá 40 tỉ USD, trải dài 3.500 km từ Azerbaijan tới châu Âu và khai thác từ giếng dầu Shal Deniz II của Azerbaijan ở ngoài khơi biển Caspi.
Bộ Năng lượng Azerbaijan nêu rõ: "Hành lang khí đốt miền Nam sẽ tăng cường hệ thống an ninh năng lượng toàn cầu. Hành lang đã nối vùng Caspi với châu Âu".
Azerbaijan đặt mục tiêu cung cấp 10 tỉ m3 khí đốt/năm cho thị trường châu Âu gồm 8 tỉ m3 khí đốt xuất sang Italy và 2 tỉ m3 khí đốt sang Hy Lạp và Bulgaria. Trước đó, Azerbaijan đã cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới phân tích, khí đốt của Azerbaijan không thể thay thế vị trí chiếm lĩnh của khí đốt Nga tại thị trường châu Âu, song có thể làm giảm thị phần của Nga tại thị trường này.