Kênh RT (Nga) cho biết, trong thông báo vào lúc nửa đêm 9/11 theo giờ Moscow, ông Putin xác nhận thông tin về thoả thuận đình chiến mà Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trước đó mô tả là "đau đớn" nhưng cần thiết.
Theo Tổng thống Putin, thoả thuận sẽ thiết lập các điều kiện cho một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Nội dung dự thảo thoả thuận được truyền thông Nga khai thác cho biết, Nga sẽ triển khai khoảng 2.000 lính gìn giữ hoà bình dọc theo ranh giới liên lạc và "hành lang Lachin" - tuyến đường nối giữa Nagorno-Karabakh và Armenia. Lực lượng này sẽ tiến vào khu vực ngay khi các lực lượng vũ trang Armenia rút đi và sẽ ở lại trong 5 năm.
Thoả thuận dự kiến sẽ tự động gia hạn 5 năm sứ mạng của lực lượng Nga, trừ khi bất kỳ bên nào phản đối trong thời gian 6 tháng trước khi hết hạn.
Cũng theo bản dự thảo, cả lực lượng Armenia và Azerbaijan đều không được phép tiến xa hơn vị trí hiện tại của họ. Điều này khiến phần lãnh thổ còn lại của Nagorno-Karabakh bị cô lập, ngoại trừ một hành lang rộng 5 km kéo đến Armenia được sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Một con đường mới sẽ được xây dựng qua khu vực Lachin trong vòng 3 năm tới, nối Armenia với Stepanakert, thủ phủ của Nagorno-Karabakh. Bên cạnh đó, một con đường khác sẽ được xây dựng qua Armenia để kết nối Azerbaijan với vùng đất Nakhichevan ở phía tây nam. Cho đến lúc đó, quân đội biên phòng Nga sẽ giám sát hoạt động giao thông đường bộ hiện có qua Armenia đến Nakhichevan.
Thỏa thuận vừa đạt được cũng quy định về việc trao đổi tù nhân và thi thể người thiệt mạng, và việc trao trả “tất cả người tị nạn và người di cư nội địa” trong vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh và các khu vực lân cận sẽ được giám sát bởi Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR ). Về lý thuyết, điều này đồng nghĩa với sự trở lại của cả người Armenia và người Azerbaijan đã di cư sau cuộc xung đột kể từ năm 1991, mặc dù không rõ điều đó sẽ diễn ra như thế nào trong thực tế.
Nagorno-Karabakh là một khu vực nằm trong biên giới của nước Cộng hòa Azerbaijan nhưng đã ly khai khỏi Baku vào năm 1991 khi Liên Xô bắt đầu sụp đổ. Hiệp định đình chiến năm 1994 đã đóng băng xung đột với các lực lượng người Armenia đang kiểm soát hầu hết Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ đã gia tăng trong khu vực bắt đầu vào cuối tháng 9/2020 và tiếp diễn bất chấp nhiều cuộc ngừng bắn do Moscow dàn xếp và cả một lần do Mỹ làm trung gian.