Ba biện pháp giúp New Zealand đánh bại dịch COVID-19

New Zealand đã trải qua 100 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, đối lập với cuộc chiến chống COVID-19 cam go mà nhiều quốc gia lân cận đang phải đối mặt, trong đó có Australia.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Jacinda Ardern phát biểu trong chuyến thăm khu nghỉ dưỡng Ardrona Alpine hôm 26/6. Ảnh: Getty

Thủ tướng Jacinda Ardern đã nhận được nhiều lời khen ngợi khi nhanh chóng đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để xử lý đại dịch toàn cầu. Trong đó, ba biện pháp chủ yếu được ca ngợi là động lực thúc đẩy thành công của New Zealand đó là lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, thắt chặt kiểm soát đường biên giới và kiểm soát ca mắc bệnh chặt chẽ.

Phong tỏa và giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ngăn lây nhiễm trong cộng đồng

Hồi tháng 3, Thủ tướng Ardern đã đưa đất nước của mình vào một trong những đợt phong tỏa khắc nghiệt nhất trên thế giới. Kể từ đó, New Zealand gặt hái được nhiều thành quả trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19. Trường hợp mắc COVID-19 cuối cùng được ghi nhận trong cộng đồng vào ngày 1/5, chỉ 63 ngày sau khi quốc đảo 5 triệu dân này ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên hôm 18/2.

Chú thích ảnh
 Các đường cao tốc ở Auckland không có xe cộ qua lại khi lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19 có hiệu lực. Ảnh: Getty

Ngày 21/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố nước này hiện ở cấp độ báo động 2 trong hệ thống cảnh báo mới triển khai nhằm ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ yêu cầu người dân hạn chế tiếp xúc, tăng cường các biện pháp kiểm tra biên giới, hủy bỏ các sự kiện công cộng, cũng như những chuyến đi không cần thiết, trong khi những người trên 70 tuổi được yêu cầu ở nhà càng nhiều càng tốt. Ngày 25/3, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại nước này. Lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước New Zealand kéo dài 4 tuần có hiệu lực từ ngày 26/3.

Nhờ đó, đến đầu tháng 4, tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu cải thiện với số ca mắc mới trong ngày giảm dần. Các lệnh phong tỏa toàn quốc và khẩn cấp quốc gia sau đó được gia hạn một vài lần nhằm chặn đứng dịch bệnh. Thủ tướng Ardern ngày 27/4 tuyên bố nước này đã ngăn chặn thành công tình trạng lây lan rộng của dịch COVID-19 trong cộng đồng và bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa từ đêm 27/4.

Tính đến ngày 10/8, New Zealand đã ghi nhận tổng cộng 1.569 ca nhiễm virus và 22 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh tại quốc gia này được đánh giá là ít hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với hàng nghìn ca mắc bệnh và tử vong, trong đó có Australia.

Cùng thời điể, Australia ghi nhận 21.407 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Số ca tử vong trên toàn quốc cũng tăng lên 314 trường hợp sau. Đặc biệt, bang Victoria đang phải vật lộn với làn sóng dịch bệnh thứ 2 chết chóc sau khi ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm các quy định an toàn tại các cơ sở cách ly trong khách sạn của mình.

Kiểm soát biên giới chặt chẽ

Bên cạnh việc phong tỏa nghiêm ngăt, chiến lược kiểm soát biên giới quyết liệt của bà Ardern cũng giúp New Zealand đã trở thành một trong những điểm sáng chống COVID-19 trên thế giới.

Thủ tướng Ardern đã đưa ra những hạn chế biên giới “nghiêm ngặt nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới” vào hồi tháng 3. Đồng thời, vị nữ thủ tướng này cũng thực thi chế độ tự cách ly bắt buộc đối với tất cả hành khách quốc tế. Trong thời điểm đưa ra tuyên bố này, đất nước chỉ có 6 ca mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay quốc tế Auckland hồi tháng 4. Ảnh: Getty Images

Chưa đầy một tuần sau, vào ngày 20/3, bà Ardern đã ra lệnh đóng cửa biên giới của đất nước lần đầu tiên trong lịch sử của New Zealand. Lúc này, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng lên 20 người.

Hiện cuộc sống gần như đã trở lại bình thường, người dân đảo quốc Nam Thái Bình Dương có thể đến các quán bar, nhà hàng hoặc tham gia các sự kiện thể thao và văn hóa. Tuy nhiên, nhà chức trách New Zealand duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ và tất cả những người nhập cảnh nước này phải cách ly 14 ngày. Cho đến ngày nay, biên giới của New Zealand vẫn đóng cửa và chỉ công dân “xứ sở Kiwi”, công dân thường trú và các thành viên gia đình của họ mới có thể nhập cảnh vào đất nước này. 

Kiểm soát từng trường hợp mắc bệnh, truy vết tiếp xúc và cách ly nghiêm ngặt

Từ ngày 25/3, bà Ardern tiếp tục đưa ra các biện pháp phòng dịch quyết liệt. Bà đã tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp quốc gia để chống lại dịch COVID-19 và đưa tất cả công dân vào Cấp độ cảnh báo 4. Tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu và cơ sở giáo dục đã bị buộc phải đóng cửa và người dân buộc phải ở nhà trong bốn tuần.

Trong một bài phát biểu, bà Ardern cho biết nhiều người dân đã được cứu sống khi tuân theo những “thay đổi lớn” mà bà đưa ra.

“Khi xuất hiện một trường hợp nghi nhiễm, chúng tôi sẽ tiến hành xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly và làm điều đó mọi lúc với tham vọng rằng chúng ta sẽ phát hiện ra người mắc bệnh và tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Chúng ta sẽ giữ tỷ lệ lây lan dưới 1, và đó là cách khiến chúng ta tiếp tục thành công”, bà nói.

Chú thích ảnh
Người dân Wellington đeo khẩu trang đến siêu thị mua sắm trước khi đất nước đóng cửa. Ảnh: AFP

Có thể thấy rằng, việc theo dõi liên tục các trường hợp mắc bệnh đã khiến New Zealand ngăn chặn virus COVID-19 lây lan trong cộng đồng.

 Bên cạnh đó, việc sử dụng ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh có tên là "NZ COVID Tracer" nhằm truy dấu các trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cho phép người dùng có thể tự báo cáo khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh COVID-19 để được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Vào tháng trước, bà Ardern cảnh báo đợt bùng phát thứ 2 tại bang Victoria ở Australia là một câu chuyện cảnh giác để Zew Zealand cần rút kinh nghiệm. Khác với New Zealand, Australia cũng đã áp dụng một số biện pháp phòng dịch tương tự nhưng quốc gia này lại chứng kiến ​​làn sóng nhiễm bệnh chết chóc thứ hai, hoành hành khắp bang Victoria và lan sang cả bang New South Wales, Queensland và Nam Australia.

“Dường như đợt bùng phát này của họ có liên quan đến cơ sở cách ly tương tự như những cơ sở mà chúng ta đang điều hành. Điều đó cho thấy virus có thể lây lan nhanh như đến mức nào. Nó có thể chuyển từ trạng thái trong tầm kiểm soát sang trạng thái ngoài tầm kiểm soát. Ngay cả một chiến lược tốt nhất cũng tiềm ẩn rủi ro trong một đại dịch”, bà nhấn mạnh. 

Chú thích ảnh
Phố Queen tại trung tâm thành phố Auckland trong lệnh phong tỏa. Ảnh: Getty

Lý giải về thành công của New Zealand, Giáo sư Michael Baker, nhà nghiên cứu dịch bệnh tại Đại học Otago, nhấn mạnh: “Khả năng lãnh đạo chính trị tốt và khoa học tiên tiến tạo nên sự khác biệt”. Theo ông, nhiều nước trên thế giới đã làm tốt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thường cũng nhờ sự kết hợp này. Ngay từ đầu, New Zealand đã theo đuổi chính sách quyết liệt nhằm “xóa sổ” virus SARS-CoV-2 hơn là chỉ ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Một phản ứng quyết liệt, quyết liệt đối với đại dịch có hiệu quả cao trong việc giảm thiểu các ca bệnh và tử vong. New Zealand có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Việc xóa sổ virus dường như đã giúp New Zealand trở lại hoạt động gần như bình thường khá nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế so với Australia.

New Zealand đã tiếp tục báo cáo các trường hợp mắc COVID-19 ở những người đi du lịch trở về trong tháng này, nhưng các trường hợp lây nhiễm không lan vào cộng đồng.

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học của Trường Đại học Otago, ông David Skegg, cho biết khả năng lây truyền trở lại trong cộng đồng là “rất cao” và cho rằng rất có khả năng New Zealand sẽ phải quay trở lại mức cảnh báo 2. Ông Sir Skegg cho rằng New Zealand cần tiếp tục truy dấu các trường hợp mắc bệnh một cách nhanh chóng, tránh để tránh xảy ra “tình huống kiểu Melbourne”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Daily Mail, The Conversation)
Điểm sáng hiếm hoi New Zealand: 100 ngày 'sạch' COVID-19
Điểm sáng hiếm hoi New Zealand: 100 ngày 'sạch' COVID-19

Ngày 9/8, New Zealand bước sang ngày thứ 100 không ghi nhận ca lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong cộng đồng. Đây là một điểm sáng hiếm hoi trên thế giới trong khi nhiều nước đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, thứ ba, thậm chí chưa kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN