Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bài báo viết: “Tranh luận về hạn chế tự do đi lại của người dân - một trong những nguyên tắc cơ bản của EU- đã nổ ra từ nhiều năm trước và có tác động quan trọng tới kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tháng 6 vừa qua tại Anh. Một giai đoạn mới trong cuộc tranh luận về nguyên tắc tự do đi lại đã bắt đầu cùng với tương lai của mối quan hệ giữa Anh và EU.
Trong các cuộc tranh luận này xuất hiện hai xu hướng chính. Một mặt, 27 nước thành viên còn lại của EU sẽ cố gắng nâng “giá phải trả” từ phía Anh do việc rời khỏi EU nhằm tránh các cuộc trưng cầu ý dân tương tự. Mặt khác, EU sẽ tiếp tục coi trọng mối quan hệ gần gũi về kinh tế với Anh bởi điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Sẽ xảy ra ba kịch bản sau:
Kịch bản thứ nhất: Anh vẫn nằm trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Trong kịch bản này quan hệ giữa Anh và EU hậu Brexit sẽ tương tự với mối quan hệ hiện tại giữa Na Uy và EU. Các nước thành viên EEA nhất trí tôn trọng 4 nguyên tắc tự do của thị trường nội khối EU, trong đó có việc tự do đi lại.
Điều này có nghĩa các nước thành viên EEA không thể hạn chế công dân EU tiếp cận thị trường lao động của mình. EEA cho phép các nước thành viên khởi động cơ chế bảo vệ trong điều kiện “đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội hay môi trường”. Các biện pháp này có thể bao gồm việc hạn chế tự do đi lại của người dân.
Việc sử dụng điều khoản tự bảo vệ sẽ làm nảy sinh đàm phán giữa các nước đối tác. Các biện pháp bảo vệ này sẽ bị giám sát, đánh giá một cách có hệ thống sau khi được thông qua. Nếu tác động tiêu cực tới thị trường chung, EU có thể áp dụng các biện pháp trả đũa một cách “phù hợp và tương xứng”.
Na Uy chưa bao giờ sử dụng cơ chế tự bảo vệ bởi EU có thể sẽ đáp trả bằng việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ nước này. EU cũng đã áp dụng một cơ chế đặc biệt hơn dành cho Liechtenstein. Do có tỷ lệ người lao động nước ngoài đông nên Liechtenstein được phép hạn chế tự do đi lại bằng việc áp dụng hạn ngạch trong từng năm về số lượng công dân EU, Na Uy và Iceland được sinh sống và làm việc tại quốc gia này.
Kịch bản thứ hai: Anh được trao quy chế đặc biệt trong quan hệ với EU. Trong kịch bản này EU chấp nhận đơn phương nhượng bộ Anh trên cơ sở một thỏa thuận song phương. Chính phủ Anh sẽ tìm kiếm một giải pháp cho phép nước này áp dụng hạn ngạch đối với công dân các nước thành viên EU trong khi Anh vẫn duy trì được quyền tiếp cận thị trường chung EU.
Người đi đường tại Copenhagen, Đan Mạch.
|
Tuy nhiên, từ trường hợp Thụy Sỹ cho thấy, giải pháp như vậy sẽ khó được các cơ quan quyền lực của EU chấp nhận. Nếu Anh muốn duy trì quyền tiếp cận hoàn toàn đối với thị trường chung thì EU có thể sẽ chỉ chấp nhận nhượng bộ một cách hạn chế liên quan đến vấn đề di cư. Thỏa thuận chính trị giữa Anh và EU tháng 2/2016 là một ví dụ. Tuy nhiên, sau cuộc trưng cầu ý dân ở Anh dường như Brussles đang hạn chế việc nhượng bộ London nhằm “giữ giá” cho tư cách thành viên liên minh.
Một thỏa thuận đã đạt được giữa Anh và EU hồi tháng 2/2016 nhưng chưa bao giờ được triển khai và đã bị rút lại sau sự kiện trưng cầu ý dân. Thỏa thuận trên đảm bảo việc chi trả phúc lợi xã hội cho con cái của các lao động nhập cư tại Anh dựa trên mức sống ở quốc gia của họ. Thỏa thuận cũng tạo ra một cơ chế gọi là “hãm khẩn cấp” áp dụng trong vòng tối đa 7 năm, theo đó Anh được phép không chi trả phúc lợi cho các lao động nhập cư trong 4 năm đầu họ làm việc ở nước này.
Nếu đạt được thỏa thuận mới giữa Anh và 27 nước EU còn lại, có thể việc xác định phúc lợi cho con cái của lao động nhập cư vẫn được giữ nguyên nhưng thời hạn áp dụng cơ chế “hãm khẩn cấp” sẽ bị rút ngắn lại. Các vấn đề khác sẽ dựa trên cơ sở hai bên cùng nhượng bộ trong các lĩnh vực cụ thể. Cuối cùng, Anh có thể gia tăng quyền kiểm soát đối với vấn đề nhập cư nhưng sẽ bị hạn chế hơn trong việc tiếp cận thị trường chung EU so với hiện nay.
Kịch bản thứ ba: điều chỉnh lại quy chế tự do đi lại. Trong kịch bản thứ ba này, Brexit tạo động lực cho việc tiến hành các cải cách quy chế tự do đi lại trên diện rộng. Theo đó, các nước thành viên EU sẽ được linh động hơn trong việc quản lý lao động nhập cư.
Quá trình cải cách sẽ bao gồm cả việc tăng cường hợp tác nhằm kiểm soát việc lạm dụng hệ thống trợ cấp và phúc lợi xã hội. Sự điều chỉnh này có thể cho phép EU hạn chế người lao động nhập cư nhận một số loại trợ cấp nhất định. Thậm chí, EU có thể áp dụng hạn ngạch nhập cư tạm thời trong trường hợp thị trường lao động đối mặt với nguy cơ bất ổn lớn.
Các quy định về pháp lý có thể được điều chỉnh nhằm gia tăng sự đồng thuận xã hội và ngăn chặn việc lạm dụng lao động giá rẻ. Cải cách tổng thể các quy định về tự do đi lại sẽ giúp xoa dịu các tranh luận theo xu hướng hoài nghi châu Âu và khuyến khích chính phủ Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai. Điều này có thể giúp cải thiện cơ hội đạt được một kết quả trưng cầu tích cực.