Ba Lan chi 2 tỉ USD mời lập căn cứ áp sát Nga, Mỹ nhanh chóng thăm dò địa điểm

Giới chức Lầu Năm góc đang thăm dò một khu vực tiềm năng tại Ba Lan để thiết lập căn cứ quân sự mới do Warsaw chịu phí tổn, áp sát biên giới phía tây Nga.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng tuần trước. Ảnh: The New York Times

Thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thông báo với các phóng viên ngày 24/9.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump, trong cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan Andrei Duda tuần trước cho biết, Mỹ đang cân nhắc đề nghị của Warsaw về thiết lập một căn cứ quân sự Mỹ tại Ba Lan. Ông Duda đề nghị chi hơn 2 tỉ USD cho căn cứ này.

“Chúng tôi đang quyết định quy mô của địa điểm đang được đề nghị”, ông Mattis cho biết. “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thăm dò và chưa đưa ra quyết định”

Ông Mattis cũng tiết lộ, giới chức Mỹ đang đánh giá xem địa điểm tại Ba Lan thực sự có thể đáp ứng các yêu cầu về bảo dưỡng, bay thử và tầm bắn hay không. Washington sẽ đánh giá đề nghị của chính phủ Ba Lan, tuy nhiên sẽ tham vấn các đối tác trong khu vực trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.

Trong 6 tháng qua, Ba Lan đã “lobby” mạnh mẽ cho một sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ trên lãnh thổ nước này. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu tiên công khai rằng ông có thể mở lòng trước đề nghị từ Warsaw.

Phát biểu sau buổi tiếp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, ông Trump cho biết, ông “rất nghiêm túc” cân nhắc đề nghị thiết lập căn cứ Mỹ tại Ba Lan, một động thái sẽ đẩy mạnh đáng kể sự hiện diện của Mỹ ở rìa đông của NATO.

Chú thích ảnh
Một binh sĩ Mỹ ngồi trên chiếc xe thiết giáp M2 Bradley trong cuộc huấn luyện bắn đạn thật tại Trzebian, Ba Lan ngày 26/3/2018. Ảnh: Army Times

Với các chiến lược gia ở Warsaw, một sự hiện diện thường trực của Mỹ sẽ có cái giá khổng lồ. Rời khỏi “quỹ đạo” của Moskva sau khi Liên Xô tan rã, chính sách đối ngoại của Ba Lan trong ba thập kỷ qua hướng tới phương Tây. Nhưng sau khi gia nhập NATO vào năm 1999 và gia nhập EU vào năm 2004, mối lo ngại của Ba Lan về ảnh hưởng của Nga vẫn gia tăng, nhất là sau khi Moskva sáp nhập Crimea vào năm 2014.

“Một căn cứ Mỹ sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi. Anh thực sự phải có sự hiện diện quân sự lớn nhất, với bộ binh. Hoàn toàn không có gì là mơ hồ về vai trò địa chính trị của Ba Lan”, ông Michal Baranowski, chuyên gia tại công ty tư vấn German Marshall Fund của Đức nhận xét.

Video Mỹ rầm rộ chuyển vũ khí tới Ba Lan trong chương trình triển khai của NATO:

Đề nghị của Ba Lan vào lúc này dường như không thể tốt hơn với Tổng thống Trump. Việc Warsaw cam kết sẽ trả phí tổn cho xây dựng căn cứ, lên tới 1,5 – 2 tỉ USD, là cách đáp lại đầy dễ chịu trước lời phàn nàn của Tổng thống Mỹ rằng các nước NATO quá dè xẻn chi tiêu quân sự.

Mặc dù Mỹ đang duy trì gần 4.000 binh sĩ tại Ba Lan trong chương trình triển khai của NATO, phần lớn lực lượng của Mỹ tại châu Âu hiện nay đặt tại Đức, với khoảng 35.000 quân. Quan chức an ninh Mỹ cho biết, họ đang đánh giá lại toàn bộ các vị trí đồn trú của binh sĩ trên khắp châu Âu, nhưng một quyết định tái triển khai quân từ Đức sang Ba Lan là ít khả năng.

Thông báo của Lầu Năm góc về việc thăm dò địa điểm xây dựng căn cứ áp sát Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang tỏ ra “nhượng bộ” Moskva tại Syria, chấp nhận giảm ảnh hưởng tại quốc gia đồng minh chiến lược của Nga ở Trung Đông.

Liên quan đến tình hình Syria, ngày 24/9, Ngoai trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nêu kế hoạch cung cấp cho Syria hệ thống tên lửa S-300 của Nga ra Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.

Sau vụ máy bay quân sự Nga bị bắn nhầm trong một đợt không kích của Israel tại Syria, Moskva quyết định trong vòng 2 tuần sẽ hoàn thành việc chuyển giao hệ thống phòng không tối tân S-300 cho Syria, vốn bị trì hoãn theo đề nghị của Israel.

Moskva cáo buộc Israel đã không thông báo cho Nga về cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu tại Syria, dẫn đấn việc máy bay tuần tra Il-20 của Nga vô tình bị tên lửa phòng không Syria bắn trúng. Thiếu tướng Konashenkov kết luận những hành động đó rõ ràng "vi phạm các thỏa thuận Nga-Israel năm 2015".

S-300 là một hệ thống phòng không hiện đại, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trong phạm vi 250 km. Hệ thống phòng không hiện nay của Syria khá cũ, nên gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với không quân Israel.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Vướng thỏa thuận Nga-Thổ, Syria bất ngờ chuyển quân sang khu vực khác
Vướng thỏa thuận Nga-Thổ, Syria bất ngờ chuyển quân sang khu vực khác

Sau khi Moskva và Ankara đạt được một thỏa thuận đầu tháng này nhằm ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện tại tỉnh Idlib, quân đội Syria cũng đã giảm các hoạt động quân sự trong khu vực, cho thấy Tổng thống Bashar al-Assad có ý định tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN