Chương trình này nằm trong nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước những gì được cho là mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Belarus.
Theo trang tin Yahoo News, biên giới Ba Lan với Belarus đã trở thành điểm nóng kể từ khi người di cư bắt đầu đổ xô đến đó vào năm 2021. Thời điểm đó, Minsk đã mở các công ty du lịch ở Trung Đông cung cấp một tuyến đường không chính thức mới cho người di cư vào châu Âu - một động thái mà Liên minh châu Âu cho rằng nhằm tạo ra một tuyến đường không chính thức mới gia tăng gánh nặng cho cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực này.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, các mối quan hệ giữa Warsaw với Minsk và Moskva thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn khi Ba Lan tăng cường chi tiêu quốc phòng và cáo buộc Belarus, Nga gây bất ổn cho Ba Lan.
Trong cuộc họp báo ngày 18/5, Thủ tướng Donald Tusk phát biểu: “Chúng tôi đã quyết định đầu tư 10 tỷ zloty vào an ninh của mình và trên hết là đảm bảo biên giới phía Đông an toàn. Chúng tôi đang bắt đầu một dự án lớn nhằm xây dựng một biên giới an toàn, bao gồm một công trình quân sự cũng như các quyết định về cảnh quan và môi trường sẽ khiến biên giới này không thể bị vượt qua”.
Nhà lãnh đạo không chi tiết thêm thông tin về loại công sự sẽ được xây dựng.
Trước đó, chính phủ Ba Lan đã xây dựng một hàng rào ở biên giới Ba Lan-Belarus dài hơn 180 km và cao 5,5 mét để bảo vệ trước tình trạng di cư bất hợp pháp. Sau này, hệ thống hàng rào được bổ sung bằng hệ thống camera và cảm biến giám sát biên giới.
Thủ tướng Tusk cũng cho biết ông sẽ liên hệ với Ngân hàng Đầu tư châu Âu vào ngày 20/5 về việc tài trợ 500 triệu zloty cho các hệ thống vệ tinh trong Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu.
Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu là một kế hoạch phòng không chung được Đức thiết lập vào năm 2022 nhằm tăng cường phòng không châu Âu. Thủ tướng Tusk so sánh hệ thống này với hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel.