Trả lời đài phát thanh Ba Lan, ông Kraska bày tỏ hy vọng chương trình tiêm chủng sẽ nhanh chóng được mở rộng đến nhóm người trong độ tuổi lao động từ 30-40, trước khi kết thúc quý II/2021.
Theo thống kê mới nhất, đã có 3,9 triệu người Ba Lan được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó có 1,4 triệu người được tiêm 2 mũi theo khuyến nghị.
Tính đến nay, Ba Lan đã ghi nhận 1,8 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 45.317 người tử vong do mắc COVID-19. Hiện Ba Lan vẫn duy trì lệnh phong tòa tại một số tỉnh thành do số ca nhiễm mới tăng.
* Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trang tin hungarytoday.hu dẫn thông báo của Quốc vụ khanh phụ trách truyền thông quốc tế của Hungary, Zoltán Kovács cho biết số người được tiêm chủng ngừa COVID-19 ở nước này đã vượt 1 triệu người vào tối 7/3, bao gồm 100.000 người được tiêm cuối tuần qua.
Ông Kovács cho biết, việc tiêm chủng cho những người đăng ký đang được triển khai đồng bộ với kế hoạch tiêm chủng quốc gia của chính phủ. Tỷ lệ tiêm chủng của Hungary cao thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) và có cơ hội trở thành nước dẫn đầu tính theo tỷ lệ dân số.
Theo Chính phủ Hungary, cuối tuần qua, nước này đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Ngoài số vaccine được mua thông qua EU, Hungary cũng đang sử dụng vaccine Sinopharm của Trung Quốc và Sputnik V của Nga, chương trình tiêm chủng của nước này nhanh hơn các nước khác trong khu vực.
* Ngày 8/3, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn dự kiến nước này sẽ tiếp nhận trên 63 triệu liều vaccine trong quý II/2021.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn truyền thông Đức đưa tin trong tổng số vaccine nước này nhận trong quý II/2021 sẽ có 40,2 triệu liều vaccine của BioNTech/Pfizer, 6,4 triệu liều từ công ty Moderna của Mỹ và 16,9 triệu từ công ty AstraZeneca của Anh/Thụy Điển. Ngoài số vaccine trên, Đức dự kiến có thêm những loại vaccine khác được EU cấp phép sử dụng, trong đó có vaccine Johnson & Johnson.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Olaf Scholz trước đó thông báo trong những tháng tới, Đức sẽ đẩy mạnh năng lực tiêm chủng và có thể sớm tiến hành tiêm được tới 10 triệu liều mỗi tuần. Bộ trưởng y tế liên bang và các bang của Đức nhất trí từ tháng 4 tới sẽ bắt đầu triển khai việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại các phòng khám được ủy quyền, trong khi các trung tâm tiêm chủng vẫn tiếp tục hoạt động với những lịch tiêm được đăng ký.
Theo các chuyên gia, để đạt được mức tiêm chủng 10 triệu liều/tuần, các trung tâm tiêm chủng phải thực hiện trung bình 550.000 mũi/ngày trong khi các phòng khám và bệnh viện phải thực hiện 7 triệu mũi/tuần.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 8/3 cho biết, kể từ khi bắt đầu tiêm chủng cuối tháng 12/2020 đến nay, Đức mới thực hiện tiêm đủ 2 mũi vaccine cho khoảng 3% dân số, tức là khoảng 2,5 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi. Ngoài ra, khoảng 6,2% dân số đã được tiêm 1 mũi, tứ là khoảng 5,2 triệu dân. Đức đang thực hiện trung bình khoảng 203.000 mũi tiêm/ngày. Ngày cao điểm nhất là hôm 3/3 vừa qua thực hiện được 235.912 mũi tiêm.
* Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 9/3 khẳng định chính phủ nước này vẫn đang bám sát mục tiêu hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân vào cuối tháng 10 tới, mặc dù tiến trình tiêm chủng cho đến nay chưa đạt mục tiêu đề ra ban đầu.
Các số liệu mới nhất cho thấy có gần 86.500 người dân Australia đã được tiêm chủng liều đầu tiên sau 2 tuần triển khai chiến dịch, bắt đầu từ ngày 22/2. Mục tiêu được Chính phủ Australia đề ra ban đầu là 80.000 người được tiêm mỗi tuần.
Australia sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng vaccine của AstraZeneca sản xuất trong nước từ ngày 22/3, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên cả nước.