Theo Văn phòng Tổng công tố Ba Lan, các điều tra viên nước này đã gửi yêu cầu tới tòa án khu vực Warsaw-Mokotow, phát lệnh bắt giữ tạm thời đối với ba người Nga. “Cáo buộc chống lại ba nhân viên kiểm soát không lưu này có liên quan đến hành vi khiêu khích có chủ đích khiến máy bay rơi, làm nhiều người thiệt mạng”, phát ngôn viên Văn phòng Tổng công tố Ba Lan Ewa Bialik phát biểu trước báo giới ngày 16/9.
Ông Kaczynski và vợ nằm trong số 96 nạn nhân có mặt trên máy bay Tu-154M của không quân Ba Lan rơi ở ngoại ô Smolensk, miền tây nước Nga hôm 10/4/2010, sau khi phi hành đoàn nỗ lực hạ cánh trong điều kiện sương mù dày đặc. Các cuộc điều tra ban đầu do Nga và Ba Lan tiến hành cho thấy không có lỗi kỹ thuật, thảm kịch được cho là lỗi của phi công.
Tuy nhiên, ông Jaroslaw Kaczynski, người em sinh đôi của nguyên Tổng thống Lech Kaczynski từ thời điểm đó luôn cho rằng máy bay rơi là do một hành động mờ ám nào đó của phía Nga, bất chấp các cuộc điều tra do Ba Lan và quốc tế tiến hành đều không đưa ra chứng nào ủng hộ giả thuyết này.
Không đảm nhận vị trí cấp cao nào trong chính quyền, nhưng ông Jaroslaw Kaczynski là Chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan từ năm 2015 trở lại đây. Dưới quyền lãnh đạo của PiS, Warsaw thường xuyên đụng độ ngoại giao với Moskva, đồng thời hối thúc các nước NATO thực hiện đồn trú quân sự thường trực trên lãnh thổ Ba Lan.
Về phần mình, phía Nga trước đó luôn phản bác cáo buộc của Ba Lan cho rằng phía Nga cài chất nổ lên máy bay chở ông Lech Kaczynski. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 1/8/2020 cho rằng thông tin này chỉ là sự “tưởng tượng”, yêu cầu phía Ba Lan nghe lại đoạn hội thoại của phi công để thấy được sự thật.
Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện (Duma Quốc gia) Nga Leonid Slutsky cũng khẳng định cáo buộc “cấy thuốc nổ” mà Ba Lan đưa ra là vô lý, vô căn cứ và cho đây là âm mưu kích thích tư tưởng “bài Nga” ở Mỹ và EU.