Tân Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. |
Việc giành đa số ghế tại Hạ viện không chỉ mang lại cho PiS quyền tự đứng ra thành lập chính phủ mới, mà còn tạo điều kiện để đảng này có thể thực hiện những chính sách đối nội và đối ngoại trong tương lai, nhất là khi tân Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người đắc cử trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua, cũng là thành viên của PiS.
Thất bại của đảng Cương lĩnh Công dân, chính đảng nắm quyền từ năm 2007, cũng đã được dự báo trước, cho thấy người dân Ba Lan đang muốn có sự thay đổi, bất chấp nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng ổn định sau hơn một thập kỷ gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Mặc dù từng được xem là hình mẫu kinh tế khá thành công tại châu Âu với sản lượng kinh tế tăng gần 50% trong vòng một thập kỷ qua, song thu nhập của gần 2/3 người dân nước này lại thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, khiến hàng nghìn người Ba Lan đang đổ xô ra nước ngoài, chủ yếu là Anh và Đức, để tìm kiếm một cuộc sống mới.
Kể từ khi gia nhập EU năm 2004, có tới hơn 2 triệu người dân Ba Lan di cư ra nước ngoài kiếm sống. Đặc biệt, người dân nông thôn Ba Lan hầu như không được hưởng lợi từ việc nước này gia nhập EU, thậm chí hầu hết các trang trại vừa và nhỏ, nhất là khu vực phía Đông, bị xóa sổ hoặc thua lỗ triền miên.
Tình trạng bất bình đẳng khi những "trái ngọt" của tăng trưởng kinh tế dường như chỉ thuộc về một số nhóm người nhất định ngày càng làm gia tăng tỷ lệ người dân thất vọng và phản đối cách điều hành đất nước của đảng Cương lĩnh Công dân.
Ngoài ra, những bê bối trong nội bộ đảng thời gian gần đây, cùng với việc đảng này chỉ giành kết quả thấp (chưa đến 1%) trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tháng 5 năm ngoái, chính là "giọt nước tràn ly" khiến cử tri quay lưng.
Trong khi đó, PiS, với chủ trương giúp mọi người dân Ba Lan được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của đất nước và dành nhiều phúc lợi hơn cho người nghèo, cùng những chính sách như tăng mức lương tối thiểu, không tăng tuổi nghỉ hưu, trợ cấp cho các gia đình có trẻ em,... đã giành được sự ủng hộ của đa số người dân tại nhiều khu vực.
Bên cạnh đó, việc PiS phản đối tiếp nhận người nhập cư cũng giúp đảng này ghi điểm trong bối cảnh người dân Ba Lan không muốn phải gánh chịu làn sóng người tị nạn đang đổ về "lục địa già".
Với việc giành được 242 trong số 460 ghế Hạ viện, PiS không cần phải liên minh với các chính đảng khác để thành lập chính phủ, và đảng này đã ngay lập tức thông báo sẽ cử bà Beata Szydlo làm Thủ tướng trong chính phủ mới. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1989, một đảng giành được đa số ghế tại quốc hội Ba Lan. Tuy nhiên, chặng đường trước mắt để PiS khẳng định vai trò còn khá gian nan.
Thách thức lớn nhất đối với PiS là thực hiện những cam kết về phúc lợi xã hội trong bối cảnh nền kinh tế Ba Lan sau một thời gian dài tăng trưởng đã có dấu hiệu trì trệ. PiS hứa hẹn sẽ đẩy tỷ lệ tăng trưởng hiện ở mức 3,5% lên 5%, bơm thêm 60 tỷ zlotys (khoảng 14 tỷ euro) vào nền kinh tế từ nay đến năm 2021. Đó là những hứa hẹn mà nếu được thực hiện sẽ vô cùng tốn kém.
Quan hệ của Ba Lan với EU sau khi PiS lên nắm quyền cũng là vấn đề đáng bàn. PiS có quan điểm hoài nghi sự hội nhập châu Âu và đặt mục tiêu củng cố các mối quan hệ trong khu vực, đặc biệt là trong Khối Visegrad - gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia - để chống lại các quốc gia quyền lực hơn trong EU.
Chính sách này báo hiệu một thời kỳ không mấy suôn sẻ giữa Ba Lan và EU bởi trong giai đoạn PiS nắm quyền cách đây 8 năm, Ba Lan liên tục mâu thuẫn với EU và mối quan hệ với đồng minh Đức cũng rơi vào tình trạng cực kỳ căng thẳng do Vacsava luôn chống lại ảnh hưởng của Đức trong EU.
Cũng không loại trừ khả năng giữa EU và Ba Lan có thể nảy sinh bất đồng khi PiS có quan điểm cứng rắn về vấn đề tiếp nhận người di cư. Chiến thắng của Pi Strong cuộc bầu cử đồng nghĩa với việc Ba Lan sẽ cùng Hungary và Slovakia trở thành những nước phản đối đề xuất phân bổ người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi, khoét sâu thêm các rạn nứt trong nội bộ EU.
Một thách thức nữa với PiS là quan hệ vốn trải qua nhiều thăng trầm giữa Vacsava và Moskva, đặc biệt sau vụ tai nạn máy bay của Ba Lan năm 2010 ở Smolensk, miền Tây nước Nga, khiến Tổng thống Ba Lan khi đó là Lech Kaczynski, anh em song sinh của lãnh đạo PiS Jaroslaw Kaczynski, bị thiệt mạng.
Cho tới nay, ông Jaroslaw Kaczynski vẫn cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về tai nạn này. Trong bối cảnh tình hình địa chính trị khu vực ngày càng phức tạp do cuộc khủng hoảng Ukraine cùng mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng nảy, Ba Lan - với tư cách là nước láng giềng của Ukraine, thành viên của cả EU lẫn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - cũng không tránh khỏi bị tác động.
Ba Lan mong muốn một sự bảo đảm lớn hơn từ NATO thông qua việc kêu gọi NATO tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại khu vực Trung và Đông Âu, và chủ trương này nhiều lần vấp phải sự phản đối gay gắt của Nga. Mới đây, Ba Lan cũng đã ký với Mỹ thỏa thuận cho phép triển khai các cơ sở kỹ thuật quân sự của Mỹ tại quốc gia Đông Âu này.
Những bước đi đó có thể khiến những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ba Lan trở nên khó hàn gắn. Tuy nhiên, việc có tới 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở Ba Lan nhập khẩu từ Nga và nền kinh tế Ba Lan cũng phụ thuộc nhiều vào Nga (thị trường đem lại 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Vacsava) sẽ khiến chính phủ mới của Ba Lan phải cân nhắc.
Sự trở lại nắm quyền của PiS chắc chắn sẽ khiến cho bầu không khí chính trị ở Ba Lan thay đổi, dẫn tới những điều chỉnh nhất định trong chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia này. Tuy nhiên, những thay đổi như vậy có phải là điều người dân Ba Lan kỳ vọng hay không còn phải chờ thời gian trả lời.