Theo đài Sputnik, lực lượng biên phòng Ba Lan thông báo trên Twitter: “Đó là một trại mới. Vẫn có người sống trong trại cũ cách đó vài trăm mét. Tổng cộng có khoảng 1.000 người nước ngoài trong khu vực”.
Nhiều người di cư, phần lớn là người châu Phi và Trung Đông đã tập trung ồ ạt tại biên giới Belarus-Ba Lan nhiều tuần nay để tìm cách vào Ba Lan, một thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 16/11, đã xảy ra bạo lực giữa người di cư phía bên lãnh thổ Belarus và lực lượng an ninh Ba Lan. Lực lượng an ninh Ba Lan đã phun vòi rồng để đáp trả sau khi người di cư ở phía Belarus ném đá qua hàng rào thép gai. Video do giới chức Ba Lan công bố cho thấy người di cư ném chai lọ, khúc gỗ qua biên giới, dùng mọi cách để vượt rào. Có 7 cảnh sát bị thương trong vụ đụng độ với người di cư.
Video khu trại mới của người di cư (nguồn: Sputnik):
Đã có ít nhất 8 người di cư thiệt mạng tại biên giới trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Một thanh niên Syria 19 tuổi mới được chôn cất ngày 16/11 ở làng Bohoniki ở phía đông bắc Ba Lan. Một cậu bé người Kurd 9 tuổi đã phải cắt bỏ hai chân khi bị mắc kẹt giữa vùng biên giới với rừng rậm, đầm lầy khi Ba Lan không cho người di cư vào, còn Belarus không cho họ quay đầu.
Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski cho biết ông sẽ đề cập cuộc khủng hoảng di cư tại cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer ở Wasaw ngày 18/11. Ông Kaminski khẳng định áp lực di cư gia tăng đòi hỏi Đức và Ba Lan cùng hành động.
Trong khi đó, trong điện đàm ngày 17/11, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Thủ tướng tạm quyền của Đức Angela Merkel đã nhất trí rằng Belarus cần thảo luận với EU về cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực biên giới Belarus-Ba Lan. Hai nhà lãnh đạo đều cho rằng vấn đề này, xét về tổng thể, phải được đưa ra giải quyết ở cấp độ giữa Belarus và EU, đồng thời nhất mạnh giới chức hai bên cần tiến hành đàm phán ngay lập tức.
Mối quan hệ giữa Belarus và EU đã xấu đi sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2020 mà ông Alexander Lukashenko giành chiến thắng. Sau bầu cử, Belarus đã xảy ra biểu tình và đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát. EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này. EU cáo buộc Belarus để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong khối này nhằm đáp trả trừng phạt.
Phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán do chiến tranh.