NHK đưa tin, ba người đàn ông sinh ra ở nước ngoài hiện đang sinh sống ở Nhật Bản đã đệ đơn kiện chính quyền nước này phân biệt chủng tộc với họ. Cụ thể, các nguyên đơn cáo buộc họ đã bị cảnh sát thẩm vấn nhiều lần vì chủng tộc, màu da, quốc tịch và các yếu tố khác, cấu thành sự phân biệt đối xử vi phạm hiến pháp Nhật Bản.
Họ đang yêu cầu chính phủ quốc gia, chính quyền thủ đô Tokyo và chính quyền tỉnh Aichi bồi thường 3 triệu yên (gần 500 triệu đồng) cho mỗi người.
Một nguyên đơn người gốc Ấn Độ đã cưới vợ và sinh sống ở Nhật Bản đến hơn 20 năm. Nhưng cũng kể từ đó, anh liên tục bị cảnh sát chặn lại và thẩm vấn trên đường phố, có khi hai lần một ngày. NHK cho biết, mọi chuyện trở nên tồi tệ đến mức đôi khi người đàn ông này thấy sợ khi phải rời khỏi nhà.
Một nguyên đơn khác là công dân Nhật Bản gốc Pakistan nói trong cuộc họp báo: "Tôi nghĩ người dân Nhật Bản có quan niệm rằng những người nước ngoài có vẻ ngoài khác biệt thì sẽ phạm tội".
"Tôi đã hợp tác với cảnh sát vì tôi nghĩ điều quan trọng là duy trì trật tự an ninh công cộng, nhưng khi nó xảy ra không chỉ một lần mà hơn 10 lần, tôi thực sự bắt đầu nghi ngờ", ông nói thêm.
Theo Reuters, nguyên đơn thứ ba là một người đàn ông gốc Mỹ và người cho biết ông hy vọng sẽ nâng cao nhận thức về vấn đề này đối với người dân Nhật Bản.
Chính quyền tỉnh Aichi từ chối bình luận với CNN về trường hợp cụ thể, nhưng họ cho hay các cảnh sát đều được đào tạo về tôn trọng nhân quyền và cam kết thực hiện nhiệm vụ theo sắc lệnh về nhân quyền của tỉnh.
Một năm trước, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia đã công bố kết quả điều tra cho thấy có sáu trường hợp trên toàn quốc vào năm 2021 có hành vi không phù hợp khi tra hỏi về công việc dựa trên chủng tộc hoặc các yếu tố khác.
Một cuộc khảo sát do hiệp hội Luật sư Tokyo tiến hành cho thấy, 1.318 trong tổng số 2.100 người (tương đương 62,9%) cho biết họ đã bị tra hỏi về công việc nhiều lần trong vòng 5 năm qua. Trong số đó, có người đề cập: "Ngay khi họ phát hiện ra tôi là người nước ngoài, thái độ của viên cảnh sát đột nhiên thay đổi và anh ta hỏi tôi những câu hỏi liên quan đến công việc của tôi. Tôi bị điều tra như một tội phạm".
Nhật Bản là một quốc gia đồng nhất về mặt sắc tộc (đơn sắc tộc) với mức độ nhập cư tương đối thấp. Trong những năm gần đây, chính quyền đã khuyến khích thêm nhiều cư dân và người lao động nước ngoài tới đây để lấp đầy những khoảng trống do dân số già tạo ra.
Tính đồng nhất sắc tộc cao của đất nước này có nghĩa là những người có vẻ ngoài khác biệt có thể thu hút sự chú ý không mong muốn và cảm thấy khác biệt ngay cả khi họ được xác định là người Nhật Bản có quốc tịch Nhật Bản, đặc biệt là những người có làn da sẫm màu hơn.
Ví dụ, nhiều trường hợp những người con lai mang nửa dòng máu Nhật Bản đã đề cập đến việc bản thân bị đối xử như người nước ngoài ngay cả khi họ là công dân Nhật Bản.
Một số tranh cãi trong những năm qua đã làm rõ hơn về những định kiến này và đặt ra câu hỏi về tiêu chuẩn sắc đẹp cũng như ý nghĩa của việc trở thành người Nhật Bản. Năm 2019, hãng mì Nissin đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi bị cáo buộc "tẩy trắng" ngôi sao quần vợt Naomi Osaka - người mang hai dòng máu Nhật Bản và Haiti. Trong một quảng cáo hoạt hình của hãng này, Naomi Osaka được miêu tả là cô gái có làn da trắng, mái tóc nâu và mang những nét đặc trưng của người da trắng.
Gần đây, một cuộc thi Hoa hậu Nhật Bản đã gây nhiều tranh cãi khi trao vương miện cho người mẫu gốc Ukraine - Carolina Shiino (26 tuổi) và tôn vinh cô là "vẻ đẹp hàng đầu của tất cả phụ nữ Nhật Bản". Một số người đặt câu hỏi liệu một người không có gốc gác Nhật Bản có thể đại diện cho sắc đẹp tiêu chuẩn của đất nước này hay không?
Carolina Shiino là một công dân nhập tịch sống ở Nagoya từ năm 5 tuổi và nói thông thạo tiếng Nhật, cho biết cô tự coi mình "hoàn toàn là người Nhật" và muốn được công nhận như vậy.