Ba vấn đề dự kiến trở thành trọng điểm thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Hàn

Hãng tin Reuters đã dự đoán những nội dung Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có thể sẽ thảo luận với người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm vào tuần này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và phu nhân khi lên máy bay tại căn cứ Không quân Seongnam (Hàn Quốc). Ảnh: Yonhap 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào ngày 24/4 đã lên đường đến thăm Mỹ và dự cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Joe Biden. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của lãnh đạo Hàn Quốc đến Mỹ trong 12 năm qua, đồng thời đánh dấu mốc kỷ niệm 70 năm liên minh Mỹ-Hàn. Washington và Seoul thiết lập quan hệ đồng minh từ tháng 10/1953 với hiệp ước phòng thủ chung sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên ký Hiệp định Đình chiến.

Theo lịch trình, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Yoon Suk-yeol diễn ra từ 24 - 29/4. Dưới đây là những nội dung Reuters đánh giá hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn có thể đưa ra thảo luận:

Triều Tiên

Kể từ đầu năm 2023, Triều Tiên đã thực hiện nhiều vụ phóng thử tên lửa ra vùng biển phía Đông nước này, trong đó có vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 hôm 16/3. Cùng thời gian này, Hàn Quốc, Mỹ cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận chung, kiến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên càng thêm căng thẳng. 

Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết tại cuộc gặp, Tổng thống Biden sẽ bảo đảm những bước đi “quan trọng” để nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.

Trong khi đó, cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc – ông Kim Tae-hyo đánh giá hai nước nhiều khả năng cũng mở rộng quan hệ đối tác an ninh sang các lĩnh vực mới như an ninh mạng.

Căng thẳng Mỹ - Trung

Các hãng công nghệ lớn Hàn Quốc lo ngại phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt từ Washington trong bối cảnh Mỹ cố gắng ngăn chặn Trung Quốc lấy được công nghệ nước ngoài. Chính phủ Mỹ đã cho phép Samsung và SK Hynix (Hàn Quốc) – hai nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới - được miễn trừ một năm cung cấp thiết bị chip đến các cơ sở sản xuất của họ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, không rõ điều gì sẽ xảy ra sau khi miễn trừ này hết hiệu lực vào tháng 10 tới.

Tờ Financial Times ngày 23/4 đưa tin Mỹ đã đề nghị Hàn Quốc thuyết phục các nhà sản xuất chip của nước này không “lấp khoảng trống” trong thị trường Trung Quốc nếu Mỹ cấm nhà sản xuất chip bán dẫn Micron Technology của nước này bán sản phẩm cho Bắc Kinh.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết chuyến thăm Mỹ của ông Yoon Suk-yeol cũng mang đến cơ hội đẩy mạnh hợp tác trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.

Vấn đề Ukraine

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ngụ ý rằng chính phủ của ông có thể thay đổi chính sách về cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine dưới một số điều kiện nhất định.

Hãng Bloomberg (Mỹ) đánh giá đây có thể là tin vui đối với Tổng thống Biden vốn đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh để làm lắng dịu tình trạng thiếu vũ khí của Kiev.

Điện Kremlin tuyên bố rằng việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ biến nước này thành một bên tham gia vào xung đột.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy từ lâu đã mong muốn Hàn Quốc hỗ trợ vũ khí và thậm chí còn đưa ra đề nghị cá nhân về viện trợ này khi phát biểu với quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4/2022.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết các đồng minh đã tìm cách để hỗ trợ Ukraine nhưng từ chối xác nhận các cuộc đàm phán cụ thể.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Mỹ đề nghị Hàn Quốc không tăng lượng chip bán cho Trung Quốc
Mỹ đề nghị Hàn Quốc không tăng lượng chip bán cho Trung Quốc

Tờ Financial Times ngày 23/4 đưa tin Mỹ đã đề nghị Hàn Quốc kêu gọi các nhà sản xuất chip của nước này không tăng lượng chip bán cho Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh thiếu hụt do ban bố lệnh cấm đối với nhà sản xuất chip Micron của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN