Thủ tướng tạm quyền Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra ngày 25/12 đã đề xuất thành lập Hội đồng Cải cách quốc gia trong nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị đang chia rẽ đất nước và làm tê liệt nhiều hoạt động của chính quyền.
Người biểu tình ném rào chắn vào cảnh sát gác bên ngoài địa điểm đăng ký bầu cử.AFP/TTXVN |
Theo đó, hội đồng sẽ có 499 thành viên được chọn từ 2.000 đại diện của mọi tầng lớp nhân dân. Một ủy ban lâm thời 11 thành viên sẽ được lập ra để lựa chọn 2.000 đại diện này. Ủy ban gồm tổng tư lệnh tối cao (hoặc tư lệnh quân đội/hải quân/không quân), một hiệu trưởng trường đại học, hai thứ trưởng, chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan, chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan, tổng thư ký Ban Phát triển Xã hội & Kinh tế Quốc gia và hai nhân vật đủ điều kiện khác.
Theo bà Yingluck, hội đồng 499 thành viên này sẽ vạch kế hoạch cải cách hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị Thái Lan để thực hiện ngay sau khi nước này xong tổng tuyển cử, thành lập nội các và mở cửa trở lại quốc hội. Phát biểu trên truyền hình, bà Yingluck nói: Hội đồng cần phải dọn đường để khuyến khích sự tham gia của dân chúng vào lĩnh vực chính trị, theo đuổi lợi ích quốc gia, kiểm tra hoạt động của cơ quan hành pháp, tìm biện pháp chống tham nhũng. Hội đồng sẽ tự điều hành và không chịu ảnh hưởng của chính phủ.
Tuy nhiên, đề xuất thành lập ủy ban cải cách quốc gia, vốn được xem như một đề xuất thỏa hiệp với phe đối lập, đã ngay lập tức bị người biểu tình phản đối. Ông Tavorn Seniem, một thủ lĩnh biểu tình, cho rằng cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ tìm cách đưa người của ông này vào hội đồng và do đó, hội đồng này sẽ chỉ hành động vì lợi ích của chính phủ.
Cũng trong nỗ lực đối phó với các cuộc biểu tình rầm rộ nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck, chính phủ Thái Lan ngày 25/12 đã phải gia hạn Luật An ninh nội địa thêm 2 tháng. Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Yutthasak Sasiprapa, cho biết nội các Thái Lan đã nhất trí gia hạn luật này đến ngày 1/3/2014 để duy trì hòa bình và trật tự vì biểu tình vẫn diễn ra. Trước đó, luật này đã được mở rộng trên phạm vi toàn thủ đô Bangkok và các khu vực quanh đó. Luật cho phép cảnh sát có quyền phong tỏa các tuyến đường, cấm tụ tập, lục soát và áp đặt lệnh giới nghiêm.
Trên thực tế, cảnh sát chưa áp dụng bất kỳ biện pháp nào nói trên mặc dù ngày 25/12 người biểu tình vẫn có hành động phá hoại cuộc bầu cử sắp tới bằng cách ngăn các đảng đi đăng ký bầu cử tại sân vận động Thái - Nhật. Một nhóm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát gác bên ngoài sân vận động khiến một người bị thương.
Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử sẽ cân nhắc bố trí lại địa điểm đăng ký ứng cử viên tham gia tranh cử sau khi người biểu tình bao vây lối vào sân vận động Thái - Nhật ở Bangkok - nơi được chọn làm địa điểm đăng ký ngày 23/12. Quy trình bốc thăm số bầu cử sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (26/12). Thời gian đăng ký ứng cử viên sẽ diễn ra đến hết 27/12.
Bà Yingluck đã kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 2/2/2014 để tìm cách giảm nhẹ căng thẳng nhưng đảng đối lập chính là đảng Dân chủ tuyên bố tẩy chay bầu cử. Trong suốt hai thập kỷ qua, đảng này chưa bao giờ giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử.
Thùy Dương