Ít nhất 9 cảnh sát đã bị thương vì đụng độ với những đối tượng quá khích trong các cuộc bạo loạn xảy ra tối 6/1 tại Belfast, thủ phủ Bắc Ireland (Ailen). Đây là đêm thứ tư liên tiếp cảnh sát bị những người biểu tình quá khích tấn công.
Các nhà hoạt động xã hội tuần hành tại Belfast ngày 8/12/2012. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Chỉ huy Sở cảnh sát Bắc Ireland (PSNI) Matt Baggott cho biết riêng trong tối 6/1, hàng trăm thanh niên, bất đồng với quyết định của Hội đồng thành phố Belfast chỉ treo cờ Liên hiệp Anh tại tòa nhà của hội đồng vào 17 ngày cố định trong năm, đã dùng gạch đá, pháo, chai rượu... tấn công các đồn cảnh sát.
Cảnh sát đã buộc phải nổ súng trấn áp, dùng súng phun nước để giải tán đám đông quá khích và bắt giữ hàng chục đối tượng cầm đầu nhóm bạo loạn. Một công dân tuổi cũng bị bắt giữ vì tình nghi có âm mưu giết người. Cho tới nay, ít nhất 70 người đã bị bắt do liên quan tới các vụ bạo loạn kể trên. Hơn 50 cảnh sát đã bị thương trong các vụ đụng độ tuần qua.
Các cuộc bạo loạn tại Belfast bắt đầu từ đầu tháng 12 năm ngoái do quyết định mới của chính quyền sẽ chỉ treo cờ Liên hiệp Anh ở tòa nhà của Hội đồng thành phố và các tòa nhà của chính quyền vào 17 ngày theo quy định. Và đây cũng là lần đầu tiên lá cờ Liên hiệp Anh được kéo xuống khỏi tòa nhà Edwardian kể từ khi tòa nhà này được khánh thành năm 1906.
Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định của Hội đồng thành phố được thông qua làm nổ ra những cuộc bạo loạn phản đối hồi cuối năm qua, Bộ trưởng thứ nhất Bắc Ireland Peter Robinson đã cho rằng quyết định hạ cờ Liên hiệp Anh ở trụ sở Hội đồng thành phố và các tòa nhà khác của hội đồng là "dại dột" và "khiêu khích".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Bắc Ireland David Ford cho rằng có hai nhóm phải chịu trách nhiệm về cuộc bạo loạn này, là những kẻ quá khích tấn công cảnh sát và những chính trị gia thuộc đảng Liên đoàn Dân chủ (DUP) và đảng Hợp nhất Ulster (UUP). Theo ông Ford, chính những chính trị gia thuộc DUP và UUP đã sử dụng tờ rơi và phương tiện truyền thông xã hội để xúi giục người dân biểu tình.
Bắc Ireland đã trải qua 3 thập kỷ xung đột triền miên giữa những người theo đạo Tin lành ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập vào Anh, với những người Thiên chúa giáo muốn để Bắc Ireland là một phần của nước Cộng hòa Ireland. Các cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.600 người ở Bắc Ireland, trước khi một thỏa thuận hòa bình được ký năm 1998.
TTXVN/ Tin tức