Chính phủ Bắc Macedonia cho biết họ đã ủng hộ một thỏa thuận nhằm giải quyết xung đột đang diễn ra với Bulgaria và sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU.
Thủ tướng Bắc Macedonia Dimitar Kovačevski cuối tuần qua đã gặp các đối tác liên minh của chính phủ để thảo luận về đề xuất của Pháp, Chủ tịch luân phiên EU mới mãn nhiệm, nhằm khắc phục một loạt căng thẳng giữa Sofia và Skopje về ngôn ngữ, lịch sử và quyền của người sắc tộc Bulgaria ở Bắc Macedonia.
Ông Kovačevski cho biết “đề xuất được coi là cơ sở vững chắc để xây dựng một quan điểm nghiêm túc, có trách nhiệm và đầy tham vọng liên quan đến cơ hội đang mở ra cho Bắc Macedonia”.
Theo một quan chức cấp cao ở Bắc Macedonia, Chính phủ Bắc Macedonia sẽ có thể tiến hành mà không cần Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, đề xuất của Pháp đặt ra các điều kiện về việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập - và điều đó có nghĩa là cần có những thay đổi đối với hiến pháp, vốn sẽ yêu cầu đa số 2/3 trong Quốc hội Bắc Macedonia.
Tuy nhiên, Hristijan Mickoski, lãnh đạo của đảng đối lập chính VMRO-DPMNE, gọi đề xuất của Pháp là "sự xấu hổ" và kêu gọi phản đối thỏa thuận. Cựu Ngoại trưởng Nikola Dimtrov cũng cho biết ông phản đối thỏa thuận này vì nó yêu cầu thay đổi hiến pháp trước khi các cuộc đàm phán gia nhập chính thức được tiến hành.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ám chỉ trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid rằng một thỏa hiệp sắp xảy ra, và nói rằng “chúng tôi đã tìm thấy một giải pháp phù hợp với sự nhạy cảm của cả hai bên”, song ông không cung cấp chi tiết.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên Twitter: “Hoan nghênh tin tức rằng Bắc Macedonia và Bulgaria, với sự hỗ trợ của Pháp, sắp đạt được một thỏa thuận có tính đến lợi ích và mối quan tâm chung”, sau khi bà có cuộc điện đàm với ông Kovačevski.
Bà Leyen nêu rõ: “Ủy ban EU đã sẵn sàng bắt đầu quá trình sàng lọc đối với Bắc Macedonia và Albania, bước tiếp theo trên con đường hội nhập châu Âu của họ".
Tuần trước, Bulgaria đã lật ngược quyền phủ quyết có hiệu lực của Sofia đối với Bắc Macedonia khi bắt đầu các cuộc đàm phán thành viên EU bằng cách bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Pháp. Tuy nhiên, Bulgaria nhấn mạnh về sự cần thiết phải bảo vệ cho người Bulgaria ở Bắc Macedonia và được ghi trong hiến pháp , đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ không có trường hợp Sofia công nhận tiếng Macedonia là một ngôn ngữ riêng biệt với tiếng Bulgaria.
Việc Bulgaria thay đổi lại khiến Thủ tướng Bắc Macedonia rơi vào thế khó, khi ông trước đó gọi thỏa hiệp do Pháp dẫn đầu là “không thể chấp nhận được”.
Bulgaria đã yêu cầu Skopje công nhận nguồn gốc Bulgaria của ngôn ngữ Macedonian và thừa nhận các quyền của dân tộc thiểu số Bulgaria ở Bắc Macedonia. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng một thỏa hiệp đã được tìm ra trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid hồi đầu tuần trước. Nó sẽ bao gồm việc đảm bảo các quyền của người dân tộc thiểu số Bulgaria.
Đề xuất của Pháp, không được công bố trước công chúng, đã được gửi tới cả hai quốc gia vào cuối tuần trước. Đề xuất được đưa ra khoảng 11 ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp và được coi là nỗ lực cuối cùng để đạt được bước đột phá, nhưng cơ hội thành công rất mong manh.