Ngày 10/6, Trung tâm nghiên cứu bệnh Kawasaki Nhật Bản - tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận của vị bác sĩ nhi khoa trên - đã xác nhận thông tin này.
Nguồn tin cho biết bác sĩ Kawasaki có sức khỏe tốt cho tới tận gần đây. Ông là người hoạt động năng nổ trong cộng đồng y khoa, là người lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu bệnh Kawasaki tới tận năm ngoái, đồng thời luôn nỗ lực để nâng cao sự hiểu biết trong cộng đồng về căn bệnh trên.
Bác sĩ Kawasaki lần đầu tiên chú ý tới căn bệnh lạ này vào những năm 60 của thế kỷ 20 khi bắt đầu điều trị cho các bệnh nhi có triệu chứng sốt, đau mắt đỏ và phát ban không rõ nguyên nhân. Bác sĩ Kawasaki đã ghi nhận 50 ca mắc chứng rối loạn lạ trong năm 1967 kể từ khi căn bệnh trên - chủ yếu gặp phải ở trẻ rất nhỏ tuổi - được ghi nhận ở cấp độ quốc tế và được đặt tên là "bệnh Kawasaki".
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm hiện tượng sưng tấy các chi, sưng hạch bạch huyết ở cổ, kích ứng, sưng miệng, môi và họng. Căn bệnh này xuất hiện trên toàn thế giới, với phạm vi ảnh hưởng lớn nhất tại Nhật Bản. Nhóm đối tượng mắc bệnh chủ yếu là các bé trai và các trẻ nhỏ tuổi.
Căn bệnh này một lần nữa lại được phương tiện truyền thông đề cập trong năm nay sau khi các bác sĩ tại nhiều quốc gia ghi nhận những rối loạn tương tự như bệnh Kawasaki ở một số các bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác nhận mối liên hệ giữa bệnh Kawasaki và bệnh COVID-19.