Để đứng vững trong môi trường bất ổn địa chính trị

Bài 2: Các thị trường chuyển động trong 'cơn bão'

Giá dầu và giá một số loại hàng hóa tài chính khác đã chứng kiến sự biến động mạnh, sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát. Tuy nhiên, cho đến nay, những tác động mới chỉ dừng ở mức vừa phải. Các thị trường dường như đang giao dịch dựa trên sự lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều hơn là những gì mà cuộc xung đột có thể tạo ra.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Sau khi vượt mốc 90 USD/thùng, giá dầu đã quay đầu đi xuống. Giá vàng có xu hướng tăng chậm dần, mặc dù vẫn đang ở ngưỡng cao nhất của ba tháng. Đồng USD, đồng franc của Thụy Sỹ và đồng yen Nhật - ba loại tiền tệ "trú ẩn an toàn" truyền thống của thế giới - không biến động nhiều. Cùng với đó, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ ảm đạm và lợi suất trái phiếu vẫn rất cao.

Điều này cho thấy rằng cuộc xung đột dường như ít gây tác động tới các thị trường. Các nhà đầu tư cũng chưa tỏ ra không lo lắng thái quá về những gì đang diễn ra ở Trung Đông.

Các nhà phân tích tại ngân hàng UBS đã đưa ra ba kịch bản cho các thị trường, dưới tác động của cuộc xung đột ở Dải Gaza. Theo đó, trong một kịch bản lý tưởng nhất là phạm vi của cuộc xung đột chỉ "gói gọn" giữa Israel và lực lượng Hamas. Nếu kịch bản này xảy ra thì tác động của xung đột đối với thị trường năng lượng sẽ giữ ở mức thấp, do đóng góp của Israel vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu chỉ là 0,5% và quốc gia này không phải là nhà sản xuất dầu lớn của thế giới. Các thị trường, bao gồm cả dầu, vàng, chứng khoán, trái phiếu…, sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi diễn biến từ các nền kinh tế lớn, cũng như động thái chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, thay vì chịu tác động chính từ cuộc xung đột.

Kịch bản thứ hai là Iran sẽ bị kéo vào cuộc xung đột Israel - Hamas. Theo các nhà quan sát, trong kịch bản này, rất có khả năng Mỹ sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt cho Iran, thậm chí còn cứng rắn hơn trước. Chắc chắn hoạt động xuất khẩu dầu thô của quốc gia Ba Tư sẽ bị ảnh hưởng và giá dầu được dự báo tăng lên ngưỡng 95 USD/thùng. Tại đây, các thị trường bắt đầu cảm nhận rõ hơn tác động từ cuộc xung đột. Tuy nhiên, rất khó để có thể phân tách rõ ràng những ảnh hưởng của cuộc xung đột với các yếu tố tiềm ẩn khác của thị trường.

Trading Economics đánh giá nếu Iran tham gia vào cuộc xung đột ở Trung Đông thì các tác động địa chính trị sẽ trở nên rộng lớn hơn. Tổ chức này dự báo giá dầu thô, trong một kịch bản nhiều khả năng có thể xảy ra, sẽ tăng lên mức 97,97 USD/thùng. Nhưng không loại trừ việc Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Venezuela, cho phép nước này tăng xuất khẩu dầu, bù đắp một phần bị thiếu hụt của Iran. Trên các thị trường, sự chuyển dịch của dòng vốn chảy vào các tài sản trú ẩn an toàn sẽ được quan sát thấy, mặc dù không hoàn toàn rõ nét.

Kịch bản thứ ba đáng lo ngại nhất. Đó là cuộc xung đột sẽ mở rộng trên toàn bộ khu vực Trung Đông, với sự tham gia của cả các nước lớn khác. Trong kịch bản này, các chuyên gia của UBS cho rằng giá dầu có thể đạt ngưỡng 150 USD/thùng và dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ đổ xô vào mua trái phiếu và vàng, kéo giá của mặt hàng kim loại quý tăng kỷ lục. Đồng USD sẽ mạnh lên, khiến các loại hàng hóa được định giá bằng "đồng bạc xanh" trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời hàng loạt các thị trường chứng khoán sẽ giảm điểm và giá cổ phiếu giảm sâu. Cũng theo kịch bản đó, có khả năng GDP toàn cầu bị mất gần 1.000 tỷ USD, đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Có thể nói đây là một kịch bản “đen tối”, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra và vẫn đang “loay hoay” phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhưng dựa trên phân tích từ các cuộc khủng hoảng trước đây ở Trung Đông, nhiều nhà quan sát tin rằng tình hình sẽ không thực sự leo thang. Trong sự đoàn kết chung, các chính phủ sẽ nỗ lực giải quyết xung đột, để duy trì sự thịnh vượng và hòa bình cho thế giới.

Bài 3: Hậu quả kinh tế của xung đột Israel - Hamas

Diệu Linh/TTXVN (Tổng hợp)
Xung đột Hamas - Israel: LHQ cảnh báo gia tăng lòng hận thù trên toàn cầu
Xung đột Hamas - Israel: LHQ cảnh báo gia tăng lòng hận thù trên toàn cầu

Ngày 4/11, Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ), ông Volker Turk đã lên án mạnh mẽ “sự gia tăng lòng hận thù trên toàn cầu” kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát ngày 7/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN