Bài hát có tiêu đề “Abundance In Millets” do hai ca sĩ Falu và Gaurav Shah biểu diễn trong đó có lồng bài phát biểu của ông Modi giải thích lợi ích của kê - loại ngũ cốc nhà lãnh đạo này yêu thích. Trong lời bài hát có những câu như “kê là một điều kỳ diệu”, “điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể thay đổi thế giới?”.
Ấn Độ là nhà sản xuất kê lớn nhất thế giới đồng thời là nước xuất khẩu kê lớn thứ hai thế giới. Kê là loại ngũ cốc không chứa gluten, có thể sinh trưởng trên vùng đất khó trồng trọt với lượng nước hạn chế. Chính phủ của Thủ tướng Modi đã nỗ lực thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ kê kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2014.
Ngày 10/11, bài hát này được đề cử giải Grammy ở hạng mục Màn trình diễn âm nhạc toàn cầu xuất sắc nhất, cùng với sáu bài hát khác từ khắp nơi trên thế giới của các nghệ sĩ như ngôi sao người Nigeria Burna Boy và Davido, Silvana Estrada của Mexico và nghệ sĩ kèn trumpet người Pháp-Liban Ibrahim Maalouf.
Ca sĩ người Mỹ gốc Ấn Độ từng đoạt giải Grammy Falguni Shah, thường được biết đến với nghệ danh Falu, cho biết bài hát này là một “ý tưởng thông minh” của Thủ tướng Modi, người đã hợp tác thực hiện bài hát để hiện thực hóa “tầm nhìn” của ông về xóa đói giảm nghèo trên thế giới.
Bài hát được “viết và biểu diễn" cùng với Thủ tướng Modi để giúp nông dân trồng kê và hỗ trợ chấm dứt nạn đói trên toàn cầu” - ca sĩ Falu viết trên mạng xã hội X, trước đây là Twitter, vào tháng 6.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ Modi đánh giá giai điệu này là “rất sáng tạo” và tin rằng nó “sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa sử dụng hạt kê để có cuộc sống lành mạnh”.
Ấn Độ đã đề xuất Liên hợp quốc tuyên bố năm 2023 là Năm Quốc tế về Hạt kê. Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 9 ở New Delhi, các nhà lãnh đạo thế giới đã được phục vụ một bữa tối toàn món chay với nguyên liệu hạt kê chiếm chủ yếu.
Hạt kê là thực phẩm chủ yếu ở nhiều vùng của Ấn Độ trong hàng nghìn năm. Kê được chế biến thành cháo, bánh mì dẹt, bánh dosa và với đậu lăng. Nhưng “cuộc cách mạng xanh” bắt đầu ở Ấn Độ vào những năm 1960 đã khiến sản lượng kê giảm do các giống lúa mì và lúa lai năng suất cao trở nên phổ biến. Kết quả là kê bắt đầu được coi là thực phẩm của người nghèo ở vùng nông thôn.
“Những nỗ lực chung của nông dân và chúng tôi... sẽ tô điểm cho sự thịnh vượng của Ấn Độ và thế giới bằng một ánh sáng mới”, ông Modi nói trong bài hát.
Chủ nhân của các hạng mục trong giải Grammy lần thứ 66 sẽ lộ diện tại lễ trao giải tổ chức ngày 4/2/2024 ở thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ).