Người di cư được lực lượng bảo vệ bờ biển Libya giải cứu. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo công bố ngày 1/10 của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (HCR), ước tính trong năm 2015 sẽ có khoảng 700.000 người nhập cư tràn vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải và con số này có thể còn tăng lên trong năm 2016. Đây thực sự là một vấn đề nan giải đối với châu Âu.
Trước đó, ngày 22/9, các Bộ trưởng nội vụ Liên minh châu Âu (EU) họp tại Brussels đã nhất trí về kế hoạch phân bổ 120.000 người tị nạn. Hội nghị này diễn ra một ngày trước khi EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh trong đó có thảo luận về vấn đề người nhập cư và chính sách liên quan tị nạn/ di cư/ nhập cư (gọi chung là người nhập cư).
Tuy vậy, trong khi Pháp và nhất là Đức tỏ ra sốt sắng và sẵn sàng thực hiện kế hoạch của Ủy ban châu Âu về phân chia đón người nhập cư thì nhiều nước Đông Âu như Séc, Hungary và Ba Lan lại phản đối kế hoạch này và không đồng ý đón người nhập cư.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng EU cần xem xét lại chính sách của mình đối với người nhập cư. Cho đến nay, EU chưa có một chính sách chung để giải quyết và đối phó với làn sóng người nhập cư vào EU ngày càng đông và phức tạp hơn.
Phân loại về người nhập cư
Trước hết cần phải phân loại về người nhập cư. Một cách chung nhất, người nhập cư vào EU được chia làm 3 loại: Thứ nhất, là số chạy trốn/ tị nạn chiến tranh. Thứ hai, là số di cư vì điều kiện/ lý do kinh tế. Thứ ba, là số thuộc các lực lượng khủng bố hoặc bị các lực lượng khủng bố lôi kéo ép buộc để sau này phục vụ cho chúng.
Tình hình chiến sự tại Syria, bất ổn tại các nước Trung Đông, nạn khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tạo ra một làn sóng người di cư, chạy trốn khỏi chiến tranh loạn lạc. Hướng đến dễ nhất, tươi sáng nhất là châu Âu thông qua Địa Trung Hải và có thể qua cả đường bộ theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ.
Với số người chạy trốn/ di cư/ tị nạn chiến tranh, vấn đề sẽ dễ giải quyết vì họ vốn là những người dân bình thường, lam lũ, chăm chỉ làm ăn. Dù ở quê nhà hay đến châu Âu, những người này cũng đều lo tu chí làm ăn, xây dựng quê hương mới và dần dần cũng có ích cho châu Âu vốn dân số đang bị già đi và thiếu lực lượng lao động.
Bất kể quốc gia châu Âu nào nhận, họ cũng vui vẻ đến và yên ổn định cư xây dựng quê hương mới. Mặt khác, vì những người này ra đi do chiến tranh nên nếu EU và cộng đồng quốc tế xử lý xong các bất ổn, các điểm nóng, làn sóng di cư cũng sẽ tự nhiên giảm dần rồi chấm dứt.
Một phần lớn trong dòng người nhập cư vào châu Âu là vì lý do kinh tế. Khác với số ra đi vì tị nạn chiến tranh, nhóm người này phần đông đã có những điều kiện kinh tế nhất định tại quê nhà. Họ nghiên cứu rất kỹ tình hình, chế độ phúc lợi xã hội, điều kiện làm việc, sinh sống, đoàn tụ gia đình tại các nước EU… để tính toán phương án có lợi nhất trong tương lai.
Thậm chí, số ra đi vì kinh tế còn tìm kiếm và thông qua các băng đảng mafia, thế lực, nhóm buôn bán người để được tổ chức đưa vào châu Âu, nhắm đến các nước có điều kiện phúc lợi xã hội tốt như Đức hay một số nước Bắc Âu. Theo tính toán của họ, nếu được định cư ở các nước này, chỉ cần sinh con nhiều nhất có thể rồi nhận trợ cấp xã hội, như vậy cũng dư dả sống.
Nếu quả thực vậy, số người này và có thể cả các thế hệ sau đó sẽ chẳng làm gì, không có đóng góp cho xã hội sở tại ngoài việc tạo ra thêm những thế hệ lười biếng và phá phách. Có thể nói số này chỉ ăn tàn phá hại châu Âu mà thôi.
Loại thứ ba, chiếm một phần nhỏ khoảng 5% dòng người tị nạn đổ vào châu Âu, liên quan hoặc là thành viên của các tổ chức khủng bố hồi giáo cực đoan và thành viên của IS. Số này trong tương lai sẽ tiến hành các hoạt động khủng bố trong lòng châu Âu. Làm sao châu Âu có thể sàng lọc số này khi chúng đã chuẩn bị các vỏ bọc chặt chẽ và hoàn hảo. Việc theo dõi, quản lý và đối phó với các đối tượng khủng bố tiềm tàng này sẽ vô cùng vất vả và tốn kém cho châu Âu về cả người và của trong tương lai.
EU chi rẽ vì vấn đề người nhập cư
Một vấn đề đau đầu khác là sự xung đột lợi ích và chia rẽ trong nội bộ EU liên quan chính sách và việc giải quyết vấn đề người nhập cư. Trong khi một số nước Tây Bắc Âu với lòng thiện và tư tưởng dân chủ vì quyền con người đã đóng góp rất lớn giúp người nhập cư thì các quốc gia EU thuộc khu vực Đông Âu và phe XHCN cũ như Cộng hòa Séc, Rumani, Hungary, Ba Lan… lại phản đối kế hoạch của EU, không đồng ý tiếp nhận người nhập cư và thậm chí không muốn các nước EU khác tiếp nhận người nhập cư.
Trước tình hình này, đã có những tiếng nói mạnh mẽ, thậm chí cực đoan đối với vấn nạn người nhập cư. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mới đây đã tuyên bố cần phải lập các trại tị nạn bên ngoài châu Âu với sự chu cấp kinh phí của châu Âu.
Ý kiến này được nhiều người theo tư tưởng bài ngoại ủng hộ. Họ cho rằng một khi người dân Trung Đông, châu Phi không nhìn thấy cơ hội định cư tại châu Âu mà phía trước chỉ là các trại tị nạn bên ngoài châu Âu thì làn sóng di cư vì kinh tế sẽ biến mất. Có thể đây cũng là một giải pháp căn cơ cho châu Âu trong tương lai!
Hậu quả của vấn nạn người nhập cư
Các nước châu Âu hiện nay, nhất là những nước có số người gốc châu Phi, Trung Đông nhiều (Pháp, Ý…) đang phải đối mặt với những vấn nạn xã hội do cộng đồng người nhập cư gây ra như những khu phố bất ổn, tình trạng trộm cắp cướp giật, ma túy, mại dâm….
Ngoài ra, rất nhiều người thuộc thế hệ hai, thế hệ ba của người nhập cư giờ đã có quy chế công dân châu Âu hoàn chỉnh, được học hành đào tạo từ tấm bé theo chuẩn sở tại nhưng lại tham gia lực lượng thánh chiến Hồi giáo, và thậm chí số này còn lôi kéo cả những người châu gốc Âu tham gia IS. Theo ước tính, hiện có khoảng vài nghìn người Pháp đã đầu quân cho IS. Đây thực sự là một vấn nạn chưa có lời giải đối với châu Âu.
Bên cạnh những đóng góp tích cực rất hạn chế của người nhập cư, dòng người nhập cư giai đoạn hiện nay vào châu Âu sẽ gây ra những bất ổn rất lớn cho châu Âu sau này, và những hậu quả sẽ cần nhiều năm để hiện hữu và ngày một nặng nề thêm. Nếu không có giải pháp căn cơ, việc châu Âu một ngày nào đó sẽ sụp đổ cũng không phải là điều không thể xảy ra.