Một câu hỏi lớn đặt ra là người kế nhiệm ông Aquino sẽ xử lý mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào khi phải bảo vệ chủ quyền quốc gia trước một đối tác kinh tế mạnh.
Aquino và những điểm nhấn đối ngoạiDưới sự lãnh đạo của Tổng thống Benigno Aquino, Philippines đã xóa được tiếng xấu là “nước yếu ở châu Á” trong nhiều thập kỷ qua. Gần đây, quốc gia Đông Nam Á này được nhiều người coi là một trong số ít những "điểm sáng” về kinh tế. Đặc biệt, nói đến “điểm nhấn” trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Aquino thì không thể không nhắc tới chính sách đối ngoại cương quyết, rõ ràng.
Các ứng cử viên tổng thống Philippines hát quốc ca trước giờ tranh luận ngày 24/4.Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong những năm đầu nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Aquino đã tìm cách đẩy mạnh kết giao với Trung Quốc. Năm 2011, ông Aquino đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh. Cuộc gặp là một phần trong kế hoạch mở rộng thương mại đầu tư song phương cũng như tìm cách đối thoại về những tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines đã phải đương đầu với một Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh bạo hơn trong các tuyên bố chủ quyền ở các vùng lãnh hải lân cận, đỉnh điểm là vào giữa năm 2012, khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough mà Philippines kiểm soát.
Không đủ khả năng quân sự để giành lại bãi đá, tháng 1/2013, chính quyền Aquino quyết định đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PAC) ở La Haye (Hà Lan). Đây là động thái chưa từng có tiền lệ, một bước đi táo bạo được cho là làm thay đổi cuộc chơi trong câu chuyện dài kỳ về tranh chấp lãnh thổ lâu nay ở Biển Đông. Dự kiến tòa sẽ ra phán quyết về việc này vào tháng 6 tới và giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng Philippines sẽ thắng kiện.
Bên cạnh đó, dưới thời ông Aquino, Philippines đã nâng cấp quan hệ an ninh với hai đồng minh then chốt là Mỹ và Nhật Bản. Có thể nói quan hệ Philippines - Mỹ đã chứng kiến một bước ngoặt lớn theo chiều hướng xích lại gần nhau với "Hiệp định Tăng cường Hợp tác Phòng thủ" (EDCA) chính thức có hiệu lực. Thỏa thuận này đã được ký từ năm 2014 nhưng chưa được thực hiện vì bị kiện là "vi hiến". Khi được thực thi, EDCA sẽ mở đường cho lực lượng Mỹ tăng cường hiện diện tại Biển Đông - nơi đang bị những hành vi áp đặt chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc khuấy động.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Aquino cũng vừa loan báo là Nhật Bản đã đồng ý cho Philippines thuê phi cơ để tuần tra khu vực biển mà Philippines tuyên bố có chủ quyền. Thông báo được đưa ra sau khi hai nước ký một thỏa thuận vào năm 2015 về việc chuyển thiết bị quốc phòng đến Manila.
Các ứng cử viên tiềm năng Tuy nhiên, thái độ ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đang đặt các ứng cử viên tổng thống ở Philippines vào một lựa chọn không dễ dàng, đó là tiếp tục lập trường cứng rắn trong các tranh chấp trên biển và chấp nhận những cái giá không nhỏ liên quan tới kinh tế, thương mại và đầu tư khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của ASEAN.
Cuộc chạy đua vào chiếc “ghế nóng” trong Điện Malacanang ngày 9/5 tới có thể chứa đựng nhiều bất ngờ, trong đó khả năng Phillippines có một vị nữ tổng thống sẽ là một bất ngờ lớn. Nữ thượng nghị sĩ Grace Poe đang là một ứng cử viên nặng ký. Nếu đắc cử, bà sẽ trở thành nữ nguyên thủ quốc gia thứ ba của Philippines, sau cố Tổng thống Corazon Aquino và cựu Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo.
Chiến lược của chính quyền hiện tại có thể sẽ được duy trì dưới thời của ứng cử viên Mar Roxas hoặc Grace Poe nhằm theo đuổi một hành động pháp lý mà cho đến nay là mang tính chiến lược, hiệu quả và quyết định. Sẽ không ngạc nhiên nếu ông Roxas lựa chọn tiếp tục lập trường mạnh mẽ của ông Aquino chống Trung Quốc khi đề cập đến những tranh chấp, tận dụng quy trình và các cơ sở pháp lý quốc tế có sẵn hiện nay. Ông biết rằng Philippines không có nhiều lựa chọn trước sức mạnh quân sự ưu việt của Trung Quốc. Do đó, những lựa chọn ngoại giao và pháp lý trở nên hợp lý và khả thi để có thể hạn chế sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ứng cử viên độc lập Grace Poe cũng ủng hộ vụ kiện chống Trung Quốc, nhưng muốn có cách tiếp cận ngoại giao đa phương hơn bao gồm cả các nước khác trong khu vực, đồng thời khuyến khích và tôn trọng các mặt khác trong mối quan hệ Philippines - Trung Quốc, đặc biệt về thương mại. Nhìn chung, đường hướng chính sách chung của bà Poe sẽ vẫn tiếp tục chính sách hiện hành; vừa thúc đẩy vụ kiện, vừa nâng cao năng lực quốc phòng của đất nước bằng cách củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Philippines để những lực lượng này có khả năng bảo vệ được những lợi ích quốc gia. Nữ chính khách này từng tuyên bố những hành động xâm lấn và ưu thế quân sự của Trung Quốc “không thể khiến Philippines đầu hàng”, đồng thời cam kết đầu tư nhiều cho quân đội.
Ứng cử viên khác, thượng nghị sỹ Miriam Defensor-Santiago, người được công nhận có chuyên môn pháp lý cao, có quan điểm mạnh mẽ phản đối Trung Quốc thâm nhập các vùng biển của Philippines và gần đây là các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà cũng là người ủng hộ vụ kiện chống Trung Quốc ở The Hague. Tuy nhiên, quan điểm đối ngoại của bà Santiago trong nhiều vấn đề khác lại thường phản ánh cách hành xử gây nhiều tranh cãi và đôi khi không thể đoán trước, do đó bà thường bất đồng mạnh mẽ với chính quyền của Tổng thống Aquino.
Trong số các ứng cử viên hàng đầu, Phó Tổng thống mãn nhiệm Jejomar Binay có vẻ là nhân vật ủng hộ nhiều nhất cho việc xây dựng lại quan hệ Trung Quốc - Philippines. Ông đã chỉ trích vụ kiện chống Trung Quốc của chính quyền Aquino. Do vậy, nếu ông Binay đắc cử, chính sách đối ngoại của Philippines với Trung Quốc có thể chuyển hướng mạnh mẽ. Ông chủ trương liên doanh với Trung Quốc để tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông và lựa chọn đối thoại song phương với Trung Quốc, ưu tiên sức mạnh kinh tế và tầm quan trọng của nước này như một đối tác thương mại.
Một ứng cử viên khác khiến truyền thông chú ý, đó là Thị trưởng Davao Rodrido Duterte. Trong quan điểm đối với Trung Quốc, ông Duterte thuộc phe cứng rắn. Ông cho rằng cũng nên làm hòa, nhưng trước hết Trung Quốc phải ngưng sách nhiễu ngư dân Philippines và công nhận chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Chính khách này ủng hộ đàm phán song phương với Trung Quốc trên cơ sở ít chính thức và không đối đầu.
Trước tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang lên này, người kế nhiệm ông Aquino sẽ phải đối mặt với một công luận có nhận thức và biết phê phán hơn. Theo Hiến pháp Philippines, tổng thống có vai trò như kiến trúc sư trưởng của chính sách đối ngoại và điều này là rất quan trọng. Tổng thống mới của Philippines sẽ phải gánh trách nhiệm to lớn để đảm bảo đất nước có thể vượt qua các vấn đề tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải đầy phức tạp ở phía trước. Vụ kiện chống Trung Quốc đã nâng vị thế, không chỉ đối với Philippines mà còn cả những nước có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, cũng như những nước khác trong khu vực và xa hơn nữa. Phần còn lại của thế giới đang theo dõi hết sức chặt chẽ sự thay đổi lãnh đạo ở Philippines vì dù cử tri có nhận thức được điều này hay không, việc tiếp tục hay thay đổi chính sách đối ngoại và ngoại giao liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đều phụ thuộc vào chủ nhân mới của Điện Malacanang vào tuần tới.