Đây là lần thứ 3 Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 4 tỉnh, thành này.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhất là số ca nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, ở các tỉnh, thành này đã tăng mạnh trong những tuần qua, khiến hệ thống y tế ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng căng thẳng, trong khi kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng đang tới gần.
Theo dự kiến, tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực từ ngày 25/4 tới ngày 11/5. Trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp, ngoài các biện pháp đang áp dụng như yêu cầu các nhà hàng và quán bar rút ngắn thời gian hoạt động, chính quyền 4 tỉnh, thành có thể sẽ áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn như yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống tạm dừng phục vụ đồ uống có cồn; đóng cửa các cơ sở thương mại có quy mô lớn như trung tâm thương mại và công viên chủ đề; không cho phép khán giả dự khán các sự kiện thể thao, giải trí đông người; giảm số chuyến xe buýt và tàu điện trong hai ngày cuối tuần và nghỉ lễ.
Phát biểu sau cuộc họp của nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19, ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm, cho biết nhóm chuyên gia đã nhất trí một trong những điều kiện tối thiểu để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp là tình hình dịch bệnh phải cải thiện tới cấp độ 3. Nếu không, tình trạng khẩn cấp sẽ được duy trì sau ngày 11/5.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép 10 tỉnh, thành, trong đó có 4 địa phương trên, áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm. Tuy nhiên, dường như các biện pháp này chưa phát huy được hiệu quả khi số ca nhiễm mới trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng. Ngày 22/4, Nhật Bản vẫn ghi nhận thêm 5.501 ca nhiễm mới, trong đó Osaka có 1.167 ca, Tokyo 861 ca và Hyogo 547 ca. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Nhật Bản trên ngưỡng 5.000 ca/ngày và là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Osaka trên ngưỡng 1.000 ca/ngày. Một số tỉnh khác giáp hoặc gần Osaka đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục, trong đó Nara có 125 ca, Mie ca, Oita 42 ca và Fukui ca.